TIN THỦY SẢN

Tiền Giang: Khuyến cáo nông dân thả tôm giống vụ nuôi cuối năm

Thành Công

Hiện nay, điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi cho hoạt động thả tôm giống vụ nuôi cuối năm. Đồng thời theo dự báo giá tôm nguyên liệu ở thị trường trong nước và thế giới có xu hướng tăng lên từ quý III/2015 trở đi. Do đó, nông dân cần tranh thủ thả tôm giống vụ tôm cuối năm để góp phần hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm 2015, thời tiết diễn biến phức tạp, không thuận lợi cho hoạt động nuôi tôm nước lợ. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2015, thời tiết lạnh kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm trắng phát sinh; sau đó thời tiết lại chuyển sang nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi khiến dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp. Từ đầu tháng 6/2015 đến nay, thời tiết dịu hơn do những cơn mưa đầu mùa nên người dân tập trung xuống giống. Tuy nhiên, do đây là thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa với sự xuất hiện của những cơn mưa lớn đột ngột sau khi nắng nóng nên môi trường ao nuôi rất khó quản lý, tôm nuôi rất dễ bị sốc, bệnh.

Bên cạnh đó, giá bán tôm thương phẩm trong những tháng đầu năm sụt giảm mạnh, nhất là giá tôm thẻ chân trắng có lúc chỉ 80.000 đồng/kg (cỡ 100 con/kg), tương đương giá thành sản xuất. Chính vì thế, tình hình thả tôm nuôi của bà con trong 6 tháng đầu năm nay có chậm hơn so cùng kỳ hàng năm. Tính đến cuối tháng 6/2015, toàn tỉnh đã thả nuôi 2.046 ha tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến, đạt 100% diện tích; riêng diện tích tôm thả nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh là hơn 1.537 ha, chiếm 80,8% diện tích. Về tình hình dịch bệnh, tôm nuôi quảng canh cải tiến bị thiệt hại 153 ha, chiếm 12,36% diện tích thả nuôi; còn tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại hơn 242 ha, chiếm 15,6% diện tích tôm thả nuôi nuôi.

Trước tình hình thực tế nêu trên, để góp phần hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm, Chi cục Thủy sản Tiền Giang khuyến cáo khuyến cáo bà con nuôi tôm nên tranh thủ thả tôm giống vụ tôm cuối năm trong thời điểm hiện nay. Duy trì ổn định diện tích tôm sú và tăng cường nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh và nuôi sinh thái. Riêng đối với tôm thẻ chân trắng, do thị trường đang khó khăn nên chỉ nên nuôi ở những vùng có điều kiện thuận lợi để tăng hiệu quả và giảm giá thành sản xuất.

Cần lựa chọn tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt. Tôm giống thả nuôi phải đảm bảo đạt kích cỡ (cỡ giống tối thiểu đối với tôm sú là Post larvae 15, tôm thẻ chân trắng là Post larvae 12), được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu bởi các cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện ương gièo giống trước khi thả nuôi thương phẩm. Thả nuôi với mật độ hợp lý (tôm thẻ 40-60 con/m2, tôm sú 10-15 con/m2).

Đối với vùng có độ mặn cao hơn 25‰ không phù hợp cho phát triển của tôm nuôi và dễ xảy ra dịch bệnh, cần chủ đông bổ sung nguồn nước ngọt để có độ mặn phù hợp trước khi thả tôm giống. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống hoặc thả chậm đón mùa mưa. Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, có ao lắng đúng quy cách, thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để dảm bảo sức khỏe tôm nuôi và giữ môi trường bền vững; Thực hiện chế độ cho ăn và quản lý thức ăn phù hợp, tránh lãng phí thức ăn và ô nhiễm môi trường… để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cần duy trì mực nước tối thiểu 1,3 - 1,5m, nếu cần cấp bổ sung nước thì phải được lấy từ ao lắng, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và giảm thiểu thiếu oxy cục bộ. Thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi từ cơ quan trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời (đặc biệt là mật độ vibrio trong môi trường nước).

Thành Công Sở NN PTNT Tiền Giang, 18/07/2015