Tìm giải pháp cứu đà giảm của xuất khẩu tôm sú
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), liên tiếp các tháng trong quý II năm 2012, xuất khẩu tôm sú giảm mạnh; đặc biệt, trong tháng 6/2012, xuất khẩu tôm sú tiếp tục giảm ở mức hai con số -14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người nuôi tôm sú khó khăn nhiều bề
Có thể nói, những khó khăn, thách thức cho một năm xuất khẩu tôm đã bắt đầu lộ diện rõ rệt.
Đầu ra giảm khiến sản xuất cầm chừng
Sự khởi đầu không mấy thuận lợi trong xuất khẩu tôm ngay từ những ngày đầu của năm 2012 dường như đã báo trước một kết quả không được như mong đợi cho 6 tháng đầu năm.
Thậm chí những khó khăn về nguyên liệu cho chế biến, chi phí sản xuất đầu vào tăng đột biến, rào cản kháng sinh tại thị trường Nhật Bản, giá tôm xuất khẩu tụt dốc tại Mỹ... đã khiến nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm đạt gần 900 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Mỹ và EU là những thị trường nhập khẩu lớn của tôm Việt Nam.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường này đều giảm. Kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt khoảng 230 triệu USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ trước. Thị trường EU đều sụt giảm từ 15-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các thị trường, từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản tăng trưởng tương đối tốt, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2011 nhưng hiện nay các doanh nghiệp lại đang phải đối mặt với việc Nhật Bản đang gia tăng kiểm soát, đặc biệt là "rào cản" Ethoxyquin đối với riêng tôm từ Việt Nam.
Bên cạnh những khó khăn về thị trường xuất khẩu, có lẽ dịch bệnh trên tôm đang là vấn đề làm “đau đầu” ngành tôm nhất bởi những hệ lụy của nó gây tổn thất lớn cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thủy sản, đến hết tháng 6/2012, tại 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có 16.569ha nuôi tôm bị thiệt hại. Trong đó tại nhiều tỉnh, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như Cà Mau, Sóc Trăng. Diện tích nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh bị bệnh thiệt hại tăng đến hơn 100% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2011, doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã phải mất nhiều tỷ đồng cho chi phí kiểm nghiệm tôm do dư lượng kháng sinh được sử dụng trong nuôi tôm để trị bệnh. Với tình hình dịch bệnh như năm nay, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ còn phải tốn thêm nhiều hơn nữa cho hoạt động kiểm nghiệm này.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết thời gian qua mặc dù giá tôm nguyên liệu trong nước giảm nhưng vẫn không dám mua ồ ạt vì thiếu vốn và lo ngại chất lượng tôm không đạt yêu cầu.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, sức ép cạnh tranh từ nhiều nước sản xuất tôm khác đang đẩy các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi họ đang buộc phải bán tôm với giá ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ hay Indonesia trong bối cảnh chi phí đầu vào đều tăng mạnh.
Tương tự ngành cá tra, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm từ đầu năm đến giờ cũng đối mặt với việc ngân hàng đòi nợ cũ và siết chặt tín dụng trong việc cho vay mới, khiến họ gặp khó khăn về vốn nên chỉ thu mua cầm chừng để chế biến cho các đơn hàng đã ký, không dám thu mua chế biến để dự trữ như trước đây.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Theo các chuyên gia ngành Thủy sản đánh giá, kim ngạch xuất khẩu tôm thời gian qua giảm nguyên nhân chính là do từ tháng 6, hầu hết các nước sản xuất tôm trên thế giới bắt đầu vào chính vụ thu hoạch. Sản lượng thu hoạch tôm của nhiều nước được dự đoán sẽ cao.
Một quy luật bất biến là khi nhu cầu tiêu thụ giảm và nguồn cung tăng, giá sẽ giảm. Điều đáng nói ở đây là các doanh nghiệp nhập khẩu tôm dường như đang “lợi dụng” tình hình thị trường để ép giá các doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam hiện cũng không nằm ngoài quy luật này.
Hiện nay, Nhật Bản được đánh giá là thị trường nhập khẩu chủ lực của tôm Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không dám xuất khẩu sang. Để bảo vệ uy tín sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành tôm đều đang trông chờ vào Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có các động thái đấu tranh quốc tế kịp thời với Chính phủ Nhật Bản yêu cầu điều chỉnh lại giới hạn cho phép đối với chất Ethoxyquin để cho các doanh nghiệp khai thông thị trường quan trọng này.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhận định rằng những thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu giai đoạn tới là sự gắn kết giữa chế biến xuất khẩu với sản xuất nguyên liệu còn lỏng lẻo; Tuyên truyền và xúc tiến thương mại chưa đạt kết quả cao; Quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm với việc đưa ra các chứng chỉ về chất lượng ở mức cao nhất của thế giới chưa được tổ chức bài bản….
Hiện Tổng cục Thủy sản cũng đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thiện hệ thống Chi cục thủy sản/Nuôi trồng thủy sản và thực hiện phân cấp cho địa phương trong quản lý thức ăn thủy sản, tăng cường kiểm soát dịch bệnh cho tôm.
Đại diện nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm cũng đã có kiến nghị đã đến lúc cơ quan nhà nước phải nhìn nhận lại vai trò của mình trong từng vấn đề mà ngành tôm đang gặp phải để có những hỗ trợ cụ thể và thiết thực, trước hết cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay./.