TIN THỦY SẢN

Tìm hiểu loài động vật không não biết "hắt hơi" như người

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Canada chỉ ra, loài động vật không não - bọt biển biết "hắt hơi" như con người.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học chỉ ra rằng, loài động vật không có não - bọt biển cũng có thể "hắt hơi" như người. 

Bọt biển là một loài động vật đặc biệt, chúng sống được trong môi trường nước ngọt và nước mặn. Đặc biệt hơn, bọt biển không có não, cũng như không có mắt, tai, xúc tu, không có tim, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh nào...

Tuy nhiên, trên cơ thể của bọt biển có một khoang trung tâm với các lỗ lớn - đây là osculum (hệ thống ống xả) giúp chúng có thể lọc các hợp chất tốt và thải chất độc ra ngoài. 

Bên cạnh đó, các nhà khoa học phát hiện, trong hệ thống osculum có khá nhiều lông mao, tương tự như con người có lông mao ở mũi người. Ở người, khi chúng ta hít thở, các cảm biến ở mũi phát hiện có vật thể lạ sẽ phát tín hiệu lên não.

Lúc này, trung tâm thần kinh điều khiển tất cả các cơ co lại, từ cơ thực quản cho tới cơ vòng, đương nhiên bao gồm cả cơ mí mắt, tạo ra một cơn "hắt xì" để tống khứ vật thể lạ ra ngoài.


Hình ảnh bọt biển trong quá trình nghiên cứu.

Tương tự như vậy, các lông mao ở hệ thống ống xả khi phát hiện có điều lạ sẽ gửi tín hiệu để cơ thể bọt biển tạo cơ chế nhằm trục xuất vật thể lạ ra ngoài. Nhà nghiên cứu Danielle Ludeman của Đại học Alberta (Canada) cho biết, "Chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy cách bọt biển đáp ứng với môi trường sống, đôi khi, chúng tạo ra một sự rung động nhỏ - giống như chúng đang hắt hơi vậy".

Gert Wörheide , một chuyên gia về bọt biển của Đại học Ludwig-Maximilians, Munich (Đức) chia sẻ: "Nghiên cứu này cho thấy, cấu tạo của loài bọt biển không đơn giản như chúng ta vẫn thường nghĩ. Nghiên cứu chỉ ra, lông mao của bọt biển được sử dụng như một cơ quan cảm giác, điều này sẽ giúp chúng tôi hiểu hơn về hệ thống giác quan ở loài thủy sinh này trong lịch sử tiến hóa loài". 

Nguồn tham khảo: National Geographic/Pháp luật xã hội, 20/01/2014