Tìm hiểu một số mô hình nuôi thủy sản bền vững
Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và nạn khai thác thủy sản quá mức khiến nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm. Việc xây dựng, triển khai các mô hình nuôi bền vững là điều cấp thiết, không những góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn hỗ trợ kinh tế, xã hội được ổn định và phát triển.
Nuôi thủy sản bền vững là gì?
Nuôi thủy sản bền vững là một hệ thống nuôi trồng thủy sản đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường đều được bảo vệ và tối ưu hóa. Nhằm đảm bảo rằng các hoạt động nuôi trồng thủy sản được thực hiện một cách ổn định, bền vững trong suốt quá trình từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Để đạt được mục tiêu bền vững, các hoạt động nuôi trồng thủy sản cần được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ và tăng cường khả năng phục hồi của các nguồn tài nguyên thủy sản. Chưa kể, nuôi trồng thủy sản bền vững còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập về kinh tế, tăng cường đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.
Mô hình Aquaponics
Aquaponics là thuật ngữ kết hợp giữa aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và hydroponics (thủy canh) theo chu kỳ tuần hoàn khép kín. Hiểu một cách đơn giản thì hệ thống Aquaponics chính là sự tích hợp giữa nuôi cá và trồng rau với mục đích tối ưu hóa sử dụng nước và thức ăn.
Mô hình gồm một bể cá và một hệ thống thủy canh. Thông qua việc sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá đến khay rau, các chất thải của cá sẽ được các vi khuẩn nitrite chuyển hóa thành các dạng dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng hấp thu nhờ đó mà nước cũng được lọc sạch khi quay về bể nuôi cá.
Aquaponics, mô hình nuôi thủy sản kết hợp mang tính hiệu quả và bền vững, giúp tiết kiệm nước và giảm thiểu chất thải, không có sự can thiệp của phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, giúp bà con nông dân tạo ra sản phẩm thủy sản và nông sản chất lượng cao. Hệ thống này cũng cho phép kiểm soát chất lượng nước và môi trường nuôi, đảm bảo sức khỏe của cá và cây trồng. Đây là một lựa chọn đầy triển vọng cho những hộ dân, trang trại quan tâm đến các vấn đề sản xuất thực phẩm bền vững và đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề về an ninh thực phẩm.
Hệ thống lọc tuần hoàn RAS
Hệ thống tuần hoàn RAS bao gồm bao gồm ao nuôi canh tác, ao lắng và lọc cơ học, ao lọc sinh học, hệ thống đường ống cấp nước, thoát nước và sục khí. Bên cạnh đó là một loạt các quy trình bổ sung cho phép tái sử dụng nước thải trong ao nuôi. Hệ thống được chia thành hai loại: hệ thống nước tuần hoàn một phần (10-70% lượng nước tuần hoàn / ngày) và hệ thống tuần hoàn nước hoàn toàn (tỷ lệ trao đổi nước nhỏ hơn 10% ngày).
Hệ thống này đã được nghiên cứu và ứng dụng ở Na Uy, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc,… để phục vụ các trại sản xuất giống và nuôi thâm canh các loài thủy sản nước ngọt, lợ, mặn. Ưu điểm của hệ thống là tiết kiệm nước, tỷ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường (khoảng 100kg/m3), chất lượng cá nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường.
Điểm khác biệt cơ bản của RAS so với phương pháp nuôi truyền thống trong ao mở ngoài trời là tạo hệ sinh thái trong các bể (bồn) trong nhà với môi trường được kiểm soát. Từ đó việc chăn nuôi được thực hiện theo mô hình tuần hoàn lọc và làm sạch nước để đưa về các bể nuôi.
Mô hình MPAs
MPAs (Marine Protected Areas), tức là khu bảo tồn biển. Mô hình nuôi thủy sản MPAs là một hình thức nuôi trồng thủy sản bền vững trong các khu bảo tồn biển. Trong mô hình này, các vùng biển được bảo vệ để giữ cho môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học được phát triển, đồng thời cũng cho phép diễn ra hoạt động nuôi trồng thủy sản mang tính bền vững.
MPAs có thể bao gồm các khu vực giữa đáy biển, rặng san hô, vùng biển nông,..tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và nhu cầu của các loài thủy sản nuôi trồng. Ngoài ra, mô hình có thể bao gồm các đối tượng nuôi như cá, tôm, cua, sò và các sinh vật biển khác, thường được điều chỉnh để đảm bảo rằng hoạt động nuôi trồng không gây ra tác động tiêu cực đến môi trường.
Mô hình nuôi thủy sản MPAs có thể tạo ra cơ hội việc làm cho người dân vùng ven biển, cải thiện kinh tế địa phương, đồng thời giúp bảo vệ và khôi phục các nguồn tài nguyên thủy sản. Tuy nhiên, việc thành lập và quản lý mô hình nuôi này cần phải được thực hiện một cách cẩn thận nhằm đảm bảo sự bền vững.