Tìm hiểu về đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi thương phẩm cá kình
Cá Kình (Park, 1797) là một loài cá vây tia thuộc họ Siganidae với giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao đối với sản xuất và nuôi trồng thủy sản nên rất có triển vọng cho nghề nuôi cá ở Việt Nam.
1. Đặc điểm sinh học
1.1. Hình thái cấu tạo
Cá kình có thân hình giống với hình con thoi, dẹt về 2 bên. Phần thân trên của chúng dày mình và nhiều thịt hơn phần ở dưới đuôi. Cá kình khi trưởng thành có chiều dài khoảng 12 – 25 cm. Cân nặng thông thường của chúng vào khoảng 100 – 250g. Cũng có những trường hợp dài đến 50 cm và nặng đến 1kg.
Cá kình có phần đầu nhỏ, miệng tù đôi mắt trung bình và hơi lồi. Cá có 1 dải vây lưng dài trải dài toàn bộ phần lưng của chúng.
Phần dải vây lưng này khá cứng và có độc (nọc độc trong vây của cá không gây chết người, nhưng sẽ tạo ra cảm giác tê ở vùng bị đâm).
Gần mang cá có 2 vây chèo, vây vụng khá dài nối gần đến phần vây đuôi. Vây đuôi mở rộng giống hình cánh quạ.
Cơ thể cá kình có màu vàng sáng, phần lưng có những chấm vàng đậm và phần bụng có màu trắng bạc. Toàn bộ những tia vây của cá kình có màu vàng sáng.
1.2. Môi trường sống
Cá kình là loài cá nước mặn, chúng có thể chịu được độ mặn cao. Trên thế giới, cá kình phân bổ chủ yếu ở các vùng biển thuộc Ấn Độ, Úc, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.
Tại nước ta, cá kình phân bố rải rác hầu hết dọc ven bờ biển các tỉnh.
1.3. Tính ăn
Cá kình là dòng cá có kích thước nhỏ, sống trong môi trường nước biển. Thức ăn phổ biến của chúng là rong biển, rêu đá và các loài tảo biển.
1.4. Đặc điểm sinh sản
Cá kình bắt đầu chu kỳ sinh sản đầu tiên khi chúng đạt kích thước khoảng 18 – 20 cm. Cá kình sống trong tự nhiên, chúng đẻ trứng ở hầu hết mọi thời điểm trong năm. Cá kình nuôi trồng thì chỉ đẻ trứng vào tháng 4 – 8 hàng năm.
Trung bình, một lần sinh sản, cá kình cái có thể đẻ khoảng 200 – 230 nghìn trứng. Chúng thường đẻ trứng vào ban đêm và ở tầng mặt nước mỗi khi nước thủy triều xuống.
Mùa cá kình thường vào khoảng tháng 10 – 1 năm sau. Thời điểm này là thời điểm có rất nhiều cá kình và mức giá cũng khá hợp lý.
2. Kỹ thuật nuôi thương phẩm
Cá kình dễ nuôi, tiêu thụ tốt, là đối tượng nuôi phù hợp cho các vùng ao đầm bỏ hoang mùa nắng nóng. Đây là loài nuôi mới, có giá trị kinh tế, có thể nuôi luân canh, nuôi ghép với tôm, cua nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh,...
2.1. Ao nuôi
Gần nguồn nước sạch, chủ động trong việc cấp thoát nước, không bị ngập úng trong mùa mưa. Ao nuôi phải xa các nhà máy công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc biệt là nước thải y tế.
Giao thông thuận lợi trong việc vận chuyển giống, thức ăn, các vật tư khác,…
Bờ ao chắc chắn, cao hơn đỉnh triều để tránh thất thoát khi mưa lớn. Mỗi ao có cống cấp và thoát nước riêng để thuận lợi cho việc thay nước.
Đáy ao bằng phẳng và dốc về phía cống thoát nước.
Ao nuôi có hình chữ nhật hoặc hình vuông với diện tích từ 1.000 – 10.000 m2, tốt nhất là 3.000 – 5.000 m2, độ sâu trung bình 1,5 – 2 m nước.
2.2. Cải tạo ao
Tiến hành tháo cạn ao và nạo vét bớt lớp bùn đáy, phát quang bụi rậm và cây cỏ quanh ao, bắt hết cá tạp, tiến hành tu sửa bờ ao, lấp các hang hốc và các chỗ rò rỉ.
Bón vôi với liều lượng từ 7 – 10 kg/100 m2 tùy vào độ pH đất.
Trồng rong trong ao để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá kình trong quá trình nuôi.
Sau đó cho nước vào ao nuôi kết hợp với bón phân gây màu nước để tạo nguồn thức ăn tự nhiên.
Nguồn nước bơm vào ao phải được đưa qua lưới lọc để ngăn cá tạp theo nước vào ao.
Kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường nước ao nuôi đảm
bảo trong ngưỡng thích hợp trước khi thả giống:
- Hàm lượng oxy hòa tan (DO) >4 mg/l;
- pH 7 – 9 (dao động trong ngày không quá 0,5);
- Độ mặn: 15 – 20%%;
- Độ kiềm 80 – 120 mg/l;
- Độ trong 30 – 40 cm;
- NH3 <0 0,1 mg/l
Đối với những hộ nuôi có ao lắng thì khi cải tạo ao nuôi cũng nên cải tạo ao lắng. Không diệt tạp ở ao nuôi mà chỉ diệt tạp ở ao lắng.
2.3. Chọn và thả giống
Nên chọn cá có màu sắc tươi sáng, không dị hình, vây vảy hoàn chỉnh, không bị xây xát, lở loét.
Mật độ thả khoảng 50 con/m2.
Thả giống vào lúc trời mát, thời gian thả 6 – 9 h sáng hoặc 17 – 19h chiều, tránh lúc trưa nắng nhiệt độ cao.
Nếu giống được vận chuyển kín thì ngâm túi chứa cá trong ao 15 – 20 phút, sau đó mở túi để nước trong ao vào túi từ từ rồi thả ra ngoài.
Nếu vận chuyển hở thì đưa thùng vận chuyển xuống ao cho nước ao vào sau đó nghiêng dụng cụ để cá tự bơi ra ngoài.
2.4. Quản lý, chăm sóc
Thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi cá kình là thức ăn công nghiệp và các loại rong có sẵn trong ao hoặc thu vớt từ tự nhiên.
Thức ăn công nghiệp phải có hàm lượng đạm > 40%, khẩu phần ăn dao động khoảng 3 – 10% trọng lượng cá có trong ao.
Cho cá ăn ngày 2 lần, thời gian cho ăn vào buổi sáng 7 – 8h và buổi chiều 16 – 17h.
Định kỳ bổ sung Vitamin C với liều lượng 5 g/kg thức ăn, men tiêu hóa 5 g/kg thức ăn kết hợp với dầu mực 10 – 15 ml/kg thức ăn.
Ngoài ra, người nuôi cần quan sát tình trạng sức khỏe cũng như diễn biến thời tiết để tính toán lượng thức ăn cho phù hợp.
Thường xuyên theo dõi mực nước trong ao nuôi để đảm bảo độ sâu thích hợp, kiểm tra bờ ao và đăng cống nhất là khi mưa bão để tránh cá bị thất thoát ra ngoài.
Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao, đảm bảo nằm trong ngưỡng thích hợp cho cá phát triển.
Theo dõi các diễn biến thời tiết vào mùa mưa lũ để có biện pháp ứng phó. Quá trình nuôi cần phải thay nước, chạy quạt nước để đảm bảo hàm lượng oxy cho cá.
2.5. Thu hoạch
Sau 2,5 tháng nuôi, cá kình sinh trưởng phát triển nhanh, kích cỡ bình quân đạt 20 con/kg thì có thể tiến hành thu hoạch. Có hai hình thức là thu tỉa và thu toàn bộ, người nuôi dựa vào thị trường để lựa chọn hình thức phù hợp.