Tìm hiểu về loài tôm bị cấm nuôi tại Việt Nam
Một trong những loài tôm rất phổ biến trên thế giới nhưng lại bị cấm nuôi tại Việt Nam đó chính là tôm hùm đất. Loài tôm này xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2006, chúng được nuôi thử nghiệm tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản.
Đến tháng 8/2011 tôm hùm đất được công bố là loài ngoại lai xâm hại theo thông tư 22/2011/TT-BTNMT. Nhưng đến thời điểm hiện tại, loài tôm hùm đất này vẫn chưa hết hot ngay cả trên thị trường trong và ngoài nước.
Những điều bạn cần biết về tôm hùm đất
Tôm hùm đất hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt (tên khoa học Procambarus clarkii) nuôi nhiều ở các tỉnh của Trung Quốc. Loài tôm này đang được các nhà hàng, quán ăn trên khắp thế giới đưa vào thực đơn các món hấp dẫn, thu hút đông đảo khách hàng đến dùng. Tại Mỹ, tôm hùm đất cũng tạo ra giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm
Chúng là loài giáp sát có vị ngọt, béo. Kích thước bằng đầu ngón tay cái hoặc lớn hơn, một kí từ 30-35 con, giá tiền một kí dao động khoãng 300.000 – 500.000 ngàn đồng tùy loại lớn nhỏ.
Trong tôm hùm đất chứa rất nhiều dưỡng chất, giúp tăng cường thị lực, tốt cho hệ thần kinh, da và tóc của con người. Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, loài tôm hùm đất rất có hại cho hệ sinh thái môi trường tự nhiên của nước ta, thậm chí chúng còn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm
Tập tính mang lại nhiều rủi ro từ tôm hùm đất
Khi về đêm, tôm hùm đất thường tập trung nhiều dưới đáy, chúng bắt đầu đào những hang sâu từ một đến hai mét để trú ẩn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ thống tưới tiêu, đê điều thủy lợi, gây xói mòn kênh, hư hỏng nền đất,...
Ngoài ra chúng còn là vật chủ của nhiều mầm bệnh có thể phát tán ra ngoài môi trường. Bằng đôi càng khỏe mạnh, chúng ăn tất cả các loài thủy sinh, khiến các loài tôm cá đặc trưng biến mất và gây hậu quả nặng nề cho ngành công nghiệp.
Cách đây không lâu, Việt Nam cũng đã hứng chịu “cuộc chiến” ốc bươu vàng gây hại nghiêm trọng trên ruộng lúa, thì đối với loài tôm hùm đất này cũng không kém hậu quả nếu được cấp phép nuôi đại trà trên các tỉnh thành nước ta. Bởi vì nếu sống trong môi trường thuận lợi thì loài tôm này có thể tái sinh càng khi bị gãy nhanh chóng và có thể tồn tại đến 30 năm.
Tại Trung Quốc cũng đang gánh chịu những hậu quả không hề nhỏ về môi trường sinh thái do tôm hùm đất gây ra. Chính vì tập tính ăn động vật nhỏ hơn nên được người dân Trung Quốc gọi là “dịch bệnh tháng 5”. Vì vào thời điểm này mùa sinh sản của chúng đã được bắt đầu.
Một điều đáng cảnh báo hơn đó là nếu bạn ăn sống tôm hùm đất, rất có thể bị sẽ bị một loại giun nguy hiểm tấn công vào phổi. Loài giun này có tên là Paragonimus kellicotti thường sống ký sinh trong đầu của tôm hùm đất. Vì vậy đặc biệt không nên ăn những món tôm hùm đất sống nếu bạn không muốn loài giun này ghé thăm.
Đó là những nguy hại đáng cảnh báo nếu chúng ta tiếp tục ủng hộ cho việc du nhập loài tôm hùm đất này vào ngành thủy sản nước nhà.
Ở Việt Nam, hiện tại chúng ta có rất nhiều loài tôm bản địa như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh,... chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể nhưng giá thành lại rẻ hơn, dễ tìm mua hơn. Đặc biệt loài tôm bản địa lại không gây ra nhiều nguy hại cho ngành nông nghiệp thì tại sao chúng ta phải du nhập loài tôm hùm đất này vào ?
Tính tới thời điểm này, Cục Thú y chưa hướng dẫn cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất sống. Như vậy, tôm hùm đất được buôn bán tại Việt Nam là hàng nhập lậu, ngay cả việc nhập khẩu tôm hùm đất đông lạnh để chế biến thành món ăn như trên các diễn đàn mạng xã hội
Những món ăn từ tôm hùm đất rất đa dạng và hấp dẫn, thế nhưng chúng lại mang đến nhiều vấn đề khó giải quyết. Hy vọng người tiêu dùng có thể chọn lựa sáng suốt trong việc sử dụng và cùng nhau tuyên truyền, phổ biến về tác hại của tôm hùm đất.
Các trường hợp mua bán trái phép loài này sẽ được kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.