Tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu thuỷ sản
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, đồng thời phải "gánh vác" thách thức lớn trong công tác gỡ “thẻ vàng” của EC, nhưng ngành thủy sản đã và đang có nhiều giải pháp phù hợp, tận dụng cơ hội cho thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), năm 2019, ngành thủy sản tiếp tục duy trì tăng trưởng, với tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6,25% so với năm 2018, tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9%. Trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%; nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD.
Theo ông Phạm Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Thủy sản), khó khăn nổi bật nhất với thủy sản trong năm 2019 là ngành hàng cá tra và tôm phải đối mặt với nhiều thách thức khi giá nguyên liệu giảm, trong khi giá nhiên liệu tăng, cộng với rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu… Trước thực tế đó, ngành thủy sản đã có nhiều giải pháp phù hợp, tận dụng cơ hội cho thị trường xuất khẩu.
Đơn cử như, từ đầu tháng 3 đến tháng 9/2019, giá tôm nước lợ giảm do một số nguyên liệu cạnh tranh từ xuất khẩu của Ấn Độ và Ecuador và sản lượng tồn kho từ năm 2018. Trong khi, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại biên giới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, Tổng cục Thủy sản đã đánh giá thị trường, định hướng sản xuất, tiêu thụ tôm phù hợp, thực hiện hiệu quả việc hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn với thị trường, giảm thiểu rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng và giá tôm được cải thiện, tạo đà cho Xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Nhờ đó, ước cả năm 2019, diện tích nuôi đạt 720.000 ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750.000 tấn, gần bằng so với năm 2018.
Tương tự, cá tra cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi diện tích ươm giống, nuôi thương phẩm ở một số địa phương tăng dẫn đến dư cung, kim ngạch xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019. Ả rập - Xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, một số quốc gia lân cận đã phát triển nuôi cá tra... dẫn đến việc giá cá tra nguyên liệu đã giảm từ cuối tháng 3 đến nay, sau 2 năm tăng trưởng liên tục.
Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các tỉnh triển khai một số giải pháp để duy trì mục tiêu tăng trưởng năm 2019, đồng thời phối hợp tăng cường kiểm tra điều kiện chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra; triển khai Đề án cá tra 3 cấp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cá tra, thực hiện Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn... Vì vậy, tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 dự kiến đạt 6,6 nghìn ha (tăng 22,2% so với năm 2018), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 1,9 tỷ USD, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ 2018.
Nâng cao giá trị xuất khẩu thích ứng với thị trường thế giới
Về định hướng nhiệm vụ trong năm 2020, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019; sản lượng cá tra đạt 1,42 triệu tấn, tương đương so với năm 2019; sản lượng tôm các loại 850.000 tấn, tăng 3,7%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 116,3% so với năm 2019.
Theo đó, ngành thủy sản tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung về nuôi trồng thủy sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Trong đó chú trọng tập trung vào công tác đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ, cá tra, nuôi lồng bè… Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững…
Theo ông Trần Đình Luân: “Khi áp dụng Luật Thủy sản mới, cá tra, tôm là 2 đối tượng chủ lực và sẽ chịu nhiều áp lực, nhiều yêu cầu khi muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Do đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra, nông dân, doanh nghiệp cần đáp ứng đúng những đòi hỏi của thị trường, trong đó, có yếu tố vô cùng quan trọng để có thể truy xuất được nguồn gốc là phải cấp mã số. Việc cần làm trước mắt là nông dân, doanh nghiệp cần đăng ký cấp mã số trước khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản của mình ra thế giới. Ngoài ra, với mỗi một thị trường có yêu cầu, đòi hỏi riêng. Ví dụ truy xuất nguồn gốc, không xả thải ra môi trường… Đáng chú ý, không thể bỏ qua vấn đề liên kết để sản xuất”.
Đặc biệt, để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2020, ngành thủy sản tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống gắn với phát triển các thị trường mới bằng cách đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, 31 doanh nghiệp tôm của Việt Nam vừa được Bộ Thương mại Mỹ cho hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%, là điều kiện tốt để gia tăng xuất khẩu. Hiện các đơn hàng ở Mỹ tăng dần lên, bởi phía Mỹ giảm nhập khẩu tôm của Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Ngoài ra, xuất khẩu tôm sang châu Âu, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản… có chuyển biến tích cực. Ấn Độ đã hết vụ sản xuất tôm chính, nên giá tôm trên thế giới có xu hướng tăng lên, điều này cũng mang đến cho tôm Việt Nam những cơ hội.
Đối với cá tra, vấn đề cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững là gia tăng sản lượng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý, thân thiện môi trường trong sản xuất; duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng sản phẩm cá tra tiêu thụ nội địa.