Tìm hướng nuôi tôm nước lợ bền vững ở miền Bắc
Hàng loạt vấn đề nóng của ngành nuôi tôm nước lợ đã được bàn thảo tại Diễn đàn @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng nuôi tôm nước lợ” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Quảng Ninh tổ chức sáng 19.5.
Cái khó ló... tôm tươi
Tôm nước lợ là đối tượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) chủ lực, có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội, đặc biệt là tại các địa phương ven biển. Hiện kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với tỷ lệ khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thú y thuộc (Bộ NNPTNT), tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước bị thiệt hại trong năm 2016 lên đến gần 68.000ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích nuôi cả nước, tăng 26% so với năm 2015. Diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại khoảng 18.000ha, nuôi quảng canh là 35.921ha, còn lại là các hình thức nuôi khác như tôm-lúa, tôm xen cua hoặc cá.
Nguyên nhân được các chuyên gia xác định: Thời tiết biến đổi, nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước, nhiệt độ ao nuôi tăng và độ mặn tăng cao làm tôm yếu, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây thiệt hại.
Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch 3,1 tỷ USD. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%. Khu vực phía Bắc từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế có 11 tỉnh/thành phố nuôi tôm nước lợ, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 34.726ha, chiếm 4,9% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước (trong đó tôm chân trắng là 10.875ha, tôm sú là 23.850ha). Sản lượng tôm nuôi của khu vực đạt 48.382 tấn, trong đó tôm chân trắng đạt 40.114 tấn (chiếm 82,91%) và tôm sú đạt 8.268 tấn.
Từ những số liệu trên cho thấy, tôm chân trắng đã chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu đàn tôm nuôi nước lợ ở các tỉnh ven biển khu vực phía Bắc trong năm 2016.
Trăn trở nuôi tôm trái vụ
Tại diễn đàn, gần 40 câu hỏi của người nuôi tôm đến từ 7 tỉnh duyên hải Bắc Bộ đã được các chuyên gia giải đáp.
Anh Phạm Văn Kiệm (xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) chia sẻ: “Địa phương chúng tôi đang xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt. Con tôm bị hồng thân, sau đó chết rất nhanh. Tôi nuôi tôm đã nhiều năm nhưng chưa gặp hiện tượng này”.
Các chuyên gia khẳng định ngay tại diễn đàn, đó là tôm chết vì bệnh, có thể do yếu tố môi trường. Tuy nhiên, cụ thể là bệnh gì, phương pháp xử lý như thế nào còn phải chờ kết quả giám định chính xác. Anh Phạm Xuân Huy (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) hỏi nên sử dụng loại chế phẩm nào xử lý tảo trong ao nuôi? Với việc trên thị trường hiện nay có quá nhiều loại chế phẩm, của rất nhiểu nhà sản xuất, các chuyên gia cho rằng, tùy thổ nhưỡng, nguồn nước và môi trường, khi hậu từng vùng mà áp dụng các loại chế phẩm cho phù hợp.
Phần lớn các câu hỏi còn lại đã được các chuyên gia giải đáp một cách tỉ mỉ như vấn đề tôm bị đóng rong, tôm lột không cứng vỏ; cách xử lý hiệu quả môi trường nước sau khi bị sập tảo (khi không có điều kiện thay nước); một số hiện tượng tôm chết bất thường...
Theo ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, so với các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh miền Nam, các tỉnh ven biển miền Bắc từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế với đặc thù bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết (nhiệt độ thấp vào mùa đông, bão lụt) nên mùa vụ nuôi tôm khác với các tỉnh phía Nam. Tôm thương phẩm trái vụ bán được giá cao hơn vụ nuôi chính, tạo động lực cho người nuôi mạnh dạn đầu tư, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NNPTNT, chính quyền địa phương.
“Nuôi tôm vụ 3 góp phần làm tăng sản lượng, năng suất tôm nuôi, đặc biệt là đối với khu vực phía Bắc nơi có mùa vụ nuôi ngắn. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ thấp không thuận lợi cho tôm phát triển làm cho tôm phát triển chậm, thời vụ kéo dài, dịch bệnh dễ bùng phát, chi phí đầu vào tăng cao; chất lượng tôm giống chưa đảm bảo khó đáp ứng cho nhu cầu nuôi thâm canh và bán thâm canh” – ông Tiêu đánh giá.
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo: Để nuôi tôm vụ 3 đạt hiệu quả và phát triển bền vững cần căn cứ vào điều kiện thời tiết từng năm làm cơ sở để xây dựng kế hoạch nuôi cho phù hợp.
Nuôi tôm vụ 3 chỉ nên áp dụng đối với cơ sở nuôi có đủ điều kiện, chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ nuôi có khả năng đáp ứng điều kiện cần thiết như cơ sở hạ tầng đáp ứng với nuôi thâm canh, chủ động nguồn nước, có ao lắng, có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, tăng cường các giải pháp tăng nhiệt cho tôm nuôi (có mái che, nuôi trong nhà...).