Tìm mô hình mới bảo vệ Rạn Trào
Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) có tính đa dạng sinh học cao tại vịnh Vân Phong. Để bảo vệ Rạn Trào, mô hình quản lý dựa vào cộng đồng và có sự tham gia của doanh nghiệp (DN) đã được đề xuất.
Rạn Trào được bảo vệ
Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào có diện tích 89ha, trong đó vùng lõi có diện tích 54ha; đây là một trong nhiều rạn san hô trong vịnh Vân Phong. Rạn Trào có hệ động thực vật rất phong phú, đa dạng, độ phủ san hô khá cao, số loài thủy sinh phát hiện ở khu vực này chiếm đến 50% tổng số loài ở vịnh Vân Phong. Theo Ban quản lý Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, hiện nay, vùng biển này có 82 loài san hô, 69 loài cá rạn và nhiều loài sinh vật biển có giá trị như: tu hài, ốc nhảy, cá ngựa, hải sâm, cỏ biển… Vì thế, việc bảo vệ tốt Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho vùng biển Vân Phong.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào được thành lập, UBND huyện Vạn Ninh đã phối hợp cùng nhiều tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu hải dương và các ban, ngành trong và ngoài huyện triển khai xây dựng Khu Bảo vệ biển Rạn Trào. Để trực tiếp quản lý, bảo vệ khu vực này, UBND huyện Vạn Ninh đã thành lập nhóm hạt nhân bảo vệ Rạn Trào, với sự tham gia của cộng đồng ngư dân, gồm những người có uy tín, trách nhiệm, có năng lực về hoạt động trên biển. Ngoài ra, huyện còn vận động cộng đồng ngư dân ven biển tham gia. Nhóm hạt nhân bảo vệ Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào đã chia ca trực 24/24 giờ, các hoạt động của ngư dân vi phạm khu vực bảo vệ được hạn chế tối đa. Điều này giúp các rạn san hô được bảo vệ tốt, tiếp tục tái sinh mạnh, tăng độ che phủ trên vùng rạn, qua đó giúp phục hồi nguồn lợi sinh vật biển. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học biển cũng được tổ chức tại nhiều địa phương, nhờ đó, cộng đồng ngư dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển, bờ biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. “Hiện nay, ở Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào và những khu vực lân cận không còn tình trạng ngư dân đánh bắt thủy sản bằng các hình thức hủy diệt như: chất nổ, chất độc và xung điện”, ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế Vạn Ninh cho hay.
Để góp phần bảo vệ Rạn Trào, từ năm 2002 đến nay, các mô hình tạo sinh kế mới thân thiện với môi trường như: nuôi trồng thủy sản (rong sụn, hải sâm, tu hài, hàu, điệp...), làm hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp đã được triển khai, bước đầu góp phần cải thiện đời sống của ngư dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên các mô hình này vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, một số ngư dân, nhất là hộ nghèo vẫn tiếp tục khai thác thủy sản tại những khu vực xung quanh Rạn Trào.
Cần tìm mô hình bảo vệ mới
Vấn đề đặt ra hiện nay là các loài cá rạn, nhất là các loài cá lớn, có giá trị kinh tế có sự suy giảm; mức độ ô nhiễm gia tăng do hoạt động nuôi trồng thủy sản ở những khu vực lân cận... Theo ông Đặng Tri Thông, hiện nay, mô hình quản lý, bảo vệ đang được áp dụng ở Rạn Trào tuy đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề. Cụ thể, mức hỗ trợ cho các thành viên nhóm hạt nhân bảo vệ Rạn Trào rất thấp (500.000 đồng/người/tháng) không đủ để duy trì cuộc sống; các hoạt động tạo sinh kế chưa mang lại hiệu quả cao; trong khi đó, phần lớn cộng đồng chỉ quan tâm đến các hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế hoặc chính sách của chính quyền chứ chưa thực sự nhận thức đúng đắn về việc bảo tồn đa dạng sinh học biển ở khu vực này; Ban quản lý Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước chứ chưa có nguồn lực để triển khai các hoạt động cụ thể... Đặc biệt, kinh phí để duy trì hoạt động bảo vệ Rạn Trào do chính quyền và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nên không có tính bền vững, nhất là sau khi Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) rút đi năm 2015 thì kinh phí còn khó khăn hơn.
Ông Trần Văn Thêm, ngư dân ở xã Vạn Hưng cho biết: Trước đây, người dân khai thác san hô và thủy sản bằng các hình thức hủy diệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái biển Rạn Trào. Tuy nhiên những năm gần đây, các hoạt động này đã bị xử lý nghiêm nên Rạn Trào đã được bảo vệ tốt hơn. Để khôi phục rạn san hô, tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thủy sản cần có những biện pháp hữu hiệu. Trong đó, việc chuyển đổi nghề, tạo sinh kế mới cho ngư dân nghèo vốn phụ thuộc vào khai thác thủy sản ven bờ là rất quan trọng.
Trước những khó khăn về việc quản lý, bảo vệ Khu Bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh đề xuất mô hình quản lý có sự tham gia của chính quyền - DN - cộng đồng. Trong đó, UBND huyện Vạn Ninh đóng vai trò hợp tác với DN trên cơ sở tư vấn của các nhà khoa học về: phân vùng quản lý, quy định các hoạt động DN được triển khai tại Rạn Trào, cấm các hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực này, đánh giá sự phục hồi đa dạng sinh học... Vai trò của DN là khai thác hoạt động du lịch tại Rạn Trào nhưng không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đầu tư mở rộng diện tích rạn san hô... Cộng đồng ngư dân sẽ phối hợp với DN trong quá trình tham gia quản lý Rạn Trào; giám sát các hoạt động của DN tại đây...