Tìm mọi phương án giúp dân thoát nghèo
Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước với việc tuyên truyền khuyến khích người dân tự giác nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh, vượt khó thoát nghèo, bộ mặt nông thôn huyện Năm Căn đã có nhiều biến chuyển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Trong thời gian qua, huyện Năm Căn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, huyện mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước giúp người dân thoát nghèo.
Giải quyết căn cơ cái nghèo
Một trong những cách làm hiệu quả của huyện Năm Căn hỗ trợ người dân có thể thoát nghèo bằng chính nghị lực của mình đó là huyện thường xuyên mở các đợt kiểm tra, rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo ở từng gia đình, từ đó chọn ra phương án phù hợp giúp người dân thoát nghèo.
Không chỉ được quan tâm hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, huyện còn giao cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với các ngân hàng như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay, đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện giám sát việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong Nhân dân.
Ông Huỳnh Thanh Tuấn, khóm Tắc Năm Căn, thị trấn Năm Căn, chia sẻ, lúc trước gia đình ông nghèo lắm, không đất sản xuất. Hằng ngày, ông phải đi làm thuê kiếm sống, cuộc sống rất bấp bênh. Nhưng từ khi ông được xét vay vốn xoá đói giảm nghèo thì cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn.
"Với 10 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, tôi nuôi heo kết hợp đặt rượu bán. Sau khi tích luỹ được vốn, tôi đầu tư vào vỗ cua gạch thành cua trứng để bán. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên còn thất thoát nhưng sau quá trình học hỏi thì mô hình sản xuất của tôi rất thành công, mỗi vụ cua tôi lời được vài chục triệu đồng. Hiện thu nhập của gia đình tôi hơn 100 triệu đồng/năm, không những thoát nghèo bền vững mà các con tôi đều được ăn học đàng hoàng", ông Tuấn kể lại.
Vào năm 2007, bà Nguyễn Thị Huỳnh, Khóm 2, thị trấn Năm Căn gần như sụp đổ khi chồng bà đột ngột qua đời. Lao động chính của gia đình không còn, thêm vào đó là 3 người con đang đi học, bao nhiêu gánh nặng đè lên vai bà Huỳnh. Công việc hằng ngày của bà là cho thuê truyện tranh và bán hàng ăn uống lặt vặt cho học sinh.
Bà Huỳnh tâm sự, mạng internet phát triển nên rất ít người thuê truyện tranh, còn việc buôn bán thì cũng đâu được bao nhiêu mà các con của bà đang học đại học thì rất cần tiền.
"Rất may, nhờ địa phương quan tâm cho tôi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội được tổng cộng 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, tôi dùng làm vốn buôn bán, mua thêm nhiều truyện mới, bán thêm nhiều đồ ăn, thức uống. Hằng ngày tôi chi tiêu rất tiết kiệm, chắt chiu gửi cho các con ăn học. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, các con được ăn học thành tài, có gia đình ổn định", bà Huỳnh phấn khởi cho biết.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ
Bên cạnh việc giúp người dân thoát nghèo bằng phát huy nội lực tại địa phương, cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Năm Căn còn quan tâm tới việc khai thác có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Lê Văn Đức cho biết, với lợi thế về nguồn đất đai sẵn có, cùng với nguồn lao động dồi dào, huyện đã vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng tới việc đưa các loại cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương. Nhiều hộ gia đình đã phát triển sản xuất trang trại kết hợp việc trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Song song với phát triển kinh tế, địa phương thường xuyên quan tâm đến việc vận động Nhân dân góp sức xây dựng hạ tầng địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hoá được gìn giữ, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước với việc tuyên truyền khuyến khích người dân tự giác nâng cao ý thức trong công tác giảm nghèo, đời sống người dân trong huyện ngày càng được nâng cao. Hiện hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1.288 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,32% và 557 hộ cận nghèo, chiếm 3,17%.
"Để tiếp tục giúp dân thoát nghèo bền vững, trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực vận động Nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh huyện triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo, động viên hộ nghèo khắc phục khó khăn để tự lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tiếp tục lồng ghép nhiều nguồn lực để ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn phát triển sản xuất cũng như thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân", ông Lê Văn Đức cho biết thêm.