TIN THỦY SẢN

Tìm ra đối kháng với bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi

Cá rô phi bị bệnh lồi mắt do Streptococcus agalactiae. Ảnh: vietnamvmc.com Lê Văn Hậu1*, Phạm Thị Hoa Mai, Lê Lưu Phương Hạnh, Ngô Huỳnh Phương Thảo

Nghiên cứu mới cho thấy rằng chủng Bacillus spp. có khả năng đối kháng với liên cầu khuẩn Streptococcus gây bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi.

Streptococcus agalactiae là một trong những thách thức lớn nhất đối với sức khỏe của cá rô phi được nuôi trên khắp thế giới, sự bùng phát của vi khuẩn này là nguyên nhân gây ra mối lo ngại về sức khỏe cho một số lượng lớn cá rô phi. 

Biểu hiện của bệnh là gây ra phù mắt, xuất huyết khi cá nuôi đạt khối lượng từ lớn hơn 100g đến 1 kg/con, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn này trên cá rô phi từ 95 - 100%, với tỷ lệ chết cao ở giai đoạn nuôi thương phẩm vào thời điểm nắng nóng của mùa hè và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người nuôi.

Giải pháp đang phổ biến hiện nay để phòng trị bệnh trên cá rô phi là sử dụng kháng sinh hay hóa chất. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh, hóa chất vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, gây nên hiện tượng kháng kháng sinh ở các loài vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản, dẫn đến hiệu quả chữa trị không có hoặc rất thấp. Ngoài ra, việc tích lũy kháng sinh trong động vật thủy sản có thể gây hại cho môi trường và cho người tiêu thụ. Do đó, việc tìm ra giải pháp thay thế là nhu cầu tất yếu.

Trong khi một số giống cá rô phi hiện đang được nhân giống để cải thiện khả năng kháng vi khuẩn, thì việc sử dụng vi khuẩn đối kháng với tác nhân gây bệnh ngày càng được quan tâm. 

Trong một thử nghiệm mới, được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành sàng lọc chủng Bacillus spp. có khả năng đối kháng S. agalactiae bằng phương pháp giếng khuếch tán từ các mẫu phân lập ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TP. Hồ Chí Minh. 

Kết quả, 18 chủng Bacillus spp. có hoạt tính đối kháng in vitro mạnh với các chủng S. agalactiae (D > 18 mm). Đồng thời, việc phân lập S. agalactiae cho thấy sự hiện diện rất phổ biến chủng vi khuẩn này ở cả ba vùng địa lý khảo sát. Kết quả trong nghiên cứu này có tính đối kháng cao hơn tính đối kháng của cao chiết vỏ quế đối với chủng S. agalactiae SA3 (D = 16,25 - 17,67 mm) trong nghiên cứu của chính tác giả (Nguyễn Thị Trúc Quyên và cs., 2019).


 

Hình 1. (a) Khuẩn lạc S. agalactiae màu trắng đục, tròn lồi trên môi trường BHIA; (b) nhuộm Gram, 100X vi khuẩn (liên cầu khuẩn)

Kết quả kiểm tra hoạt tính đối kháng được thể hiện qua vòng vô khuẩn D (mm) xuất hiện trên đĩa thạch MHA sau 24 giờ ủ ở nhiệt độ 28oC giữa các chủng Bacillus B.573; B.T9L; B.R1; B.1060; B.T7G; B.R20; B.T7T và B.894 với 2 chủng S. agalactiae AG5 và Q9.9

Kết quả từ nghiên cứu có thể hướng đến các nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn phòng bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi. Ngoài ra, Trong một thử nghiệm mới, được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu từ Trường Cao đẳng Thủy sản thuộc Đại học Nông nghiệp Huazhong, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã tiết lộ rằng việc bổ sung Bacillus subtilis vào chế độ ăn cá rô phi đơn tính dòng GIFT, Oreochromis niloticus kích thích sự tăng trưởng, các thông số miễn dịch, hình thái đường ruột và khả năng kháng bệnh ở cá rô phi vằn được cải thiện về mặt di truyền. Họ ghi nhận tỷ lệ tử vong ở cá được bổ sung B. subtilis ít hơn trong chế độ ăn của chúng và kết luận rằng nó có thể cải thiện hiệu quả sự tăng trưởng, tình trạng miễn dịch và khả năng chống lại nhiễm S. agalactiae trong nuôi cá rô phi.

Lê Văn Hậu1*, Phạm Thị Hoa Mai, Lê Lưu Phương Hạnh, Ngô Huỳnh Phương Thảo Tạp chí Khoa học & Công nghệ Nông nghiệp