Tín hiệu vui của người nuôi cá tra Sóc Trăng
Năm nay, các hộ nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long lãi đậm vì gần 1 tháng nay giá cá tra xuất khẩu tăng kỷ lục, giá bán cá tra đầu tháng 3 này đã trên 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Do nhu cầu xuất khẩu đang cao, nên nhiều doanh nghiệp đã tăng giá mua và tìm đến nhiều vùng nuôi nhưng vẫn bị thiếu nguồn nguyên liệu.
Với những hộ nuôi cá tra ở Sóc Trăng, sau nhiều năm thua lỗ, có lúc phải bỏ nghề, “treo ao”, thì nay mới có được niềm vui trọn vẹn khi giá cá tăng cao đúng lúc cá đủ cỡ xuất bán. Anh Nguyễn Văn Hùng ở xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, cho biết: “Mấy năm qua giá cá tra lên xuống rất bấp bênh, vụ nuôi năm nào tôi cũng bị lỗ hoặc huề vốn. Năm nay, cá tra bán có giá tôi thấy phấn khởi, trừ chi phí xong cũng còn lời chút ít”.
Sóc Trăng có 220ha nuôi cá tra nhưng chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ. Mô hình liên kết hộ nuôi với doanh nghiệp thu mua, chế biến đã không còn từ sau năm 2008, khi cá tra rớt giá sâu trong thời gian dài, nhiều hộ nuôi phải “treo ao” hoặc chuyển sang nuôi các loài thủy sản khác hay cho doanh nghiệp thuê ao nuôi, nên diện tích nuôi cá tra của tỉnh giảm mạnh. Tính riêng năm 2017, Sóc Trăng thả nuôi 66 ha cá tra, tăng 20 ha so với năm 2016, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp thuê ao, hộ dân chỉ nuôi khoảng 18ha.
Bài học "mạnh ai nấy làm" đã được rút ra và bây giờ hộ dân cùng doanh nghiệp liên kết trở lại. Thời điểm này, người nuôi và doanh nghiệp đều có lợi, cá đến lứa thu hoạch được công ty đến tận ao để thu mua. Ông Nguyễn Hoàng Oanh ở thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, cho biết: “Mỗi năm cứ đến vụ thu hoạch cá là lo về giá cả, có khi mất ăn, mất ngủ. Nhưng năm nay, được công ty liên kết tiêu thụ nên cũng yên tâm, giờ chỉ lo chăm sóc cho cá phát triển, đạt kích cỡ, đúng tiêu chuẩn để bán được giá”.
Người nuôi cá tra Sóc Trăng rất cần sự hỗ trợ của Ngành Nông Nghiệp, của chính quyền địa phương trong liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp, bởi như vậy bà con mới yên tâm sản xuất và được ngân hàng tiếp tục đầu tư hỗ trợ vốn. Trong Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đến năm 2020, con cá tra, tôm nước lợ, atermia, bò sữa và gia cầm được xác định là 5 vật nuôi chủ lực của tỉnh để đầu tư, quy hoạch sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Sự khởi sắc của giá cá tra hiện nay là khởi động tốt để hộ nuôi yên tâm duy trì và phát triển nghề nuôi.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Ngành cá tra đang thiếu hụt con giống trầm trọng, do thời gian qua, việc ương nuôi cá giống gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung không đủ. Việc thiếu nguồn cá giống sẽ dẫn đến thiếu cá nguyên liệu. Do đó, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp không có vùng nuôi, đang phải đối mặt với tình trạng khan hàng cá nguyên liệu trầm trọng. Đây được xem là bài học nhãn tiền cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, mà không có hay không chú ý đến việc xây dựng nguồn nhiên liệu.
Nghề nuôi cá tra ở Sóc Trăng.
Hiện nay, nguyên liệu chính của Ngành Cá tra vẫn là vùng nuôi của các doanh nghiệp và các hộ dân có liên kết với doanh nghiệp. Theo dự báo, nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu trong năm 2018 sẽ gặp khó. Bù lại, giá cá tra xuất khẩu sẽ được giữ ở mức tốt và có thể kéo dài cả năm 2018.