TIN THỦY SẢN

Tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản 7 tháng đầu năm 2012

Ảnh minh họa Hoàng Thanh tổng hợp

Nhìn chung bối cảnh hoạt động thủy sản của cả nước trong tháng 7 chưa có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với tháng 6.

Tình hình chung

Nhìn chung bối cảnh hoạt động thủy sản của cả nước trong tháng 7 chưa có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với tháng 6. Các giải pháp của Nhà nước đối với việc cứu trợ ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản nói chung, sản xuất cá tra nói riêng tuy đã nói đến rất nhiều, nhưng hầu như chưa đi vào thực tiễn. DN vẫn khó tiếp cận vốn, tiêu thụ hàng hóa chậm, chi phí đầu vào tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng, trong khi giá sản phẩm đầu ra không tăng, thậm chí giảm.

Về sản xuất khai thác và nuôi trồng thủy sản, sản lượng thu hoạch trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm vẫn diễn biến bình thường, tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng thấp. Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của các DN thủy sản niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy hầu hết lợi nhuận đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, số DN thua lỗ tăng.

Sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 531.000 tấn, tăng 4,3% so với tháng 7/2011; trong đó sản lượng cá 379.000 tấn, tăng 3,4% và tôm 101.000 tấn, tăng 7,3%. Sản lượng thủy sản cộng dồn 7 tháng đầu năm ước 3,18 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Khai thác thủy sản

Mặc dù trong tháng 7 bão đã xuất hiện ở vùng biển Đông nhưng ảnh hưởng không lớn tới hoạt động khai thác ở các ngư trường Việt Nam. Đang giữa vụ cá Nam, ngư dân tích cực bám biển nên sản lượng đạt khá.

Sản lượng khai thác hải sản tháng 7 ước đạt 170.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác tính chung (gồm cả khai thác nội địa) đạt 187.000 tấn. Sản lượng thủy sản khai thác cộng dồn trong 7 tháng đầu năm ước 1,45 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ, trong đó khai thác biển 1,36 triệu tấn.

Nghề câu cá ngừ đại dương đã kết thúc vụ khai thác. Một số tỉnh đạt sản lượng cao trong 7 tháng đầu năm là Phú Yên (6.000 tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước), Bình Định (5.635 tấn, tăng 49,8%) và Khánh Hòa (1.000 tấn).

Nuôi trồng thủy sản

Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng 7 ước đạt 344.000 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó cá 232.000 tấn, tăng 3%; tôm 92.000 tấn, tăng 8%.

Tính chung 7 tháng, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 1,73 triệu tấn, tăng 6,4% so với 7 tháng đầu năm 2011.
 

Nuôi cá tra tiếp tục diễn biến tiêu cực do khó khăn về thị trường tiêu thụ và DN thiếu vốn thu mua nguyên liệu. Giá cá giảm mạnh, chỉ còn 18 - 19.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất (22- 24.000đ/kg). Từ cuối tháng 7, giá thu mua cá đã tăng trở lại từ 1.000 đến 2.000đ/kg, nông dân đỡ căng thẳng hơn, hạn chế tình trạng thu hoạch ồ ạt như tháng trước. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 7, sản lượng cá tra thương phẩm đã thu hoạch ước đạt 800.000 tấn.

Tôm nuôi đang trong vụ thu hoạch vụ chính. Sản lượng tôm thu hoạch trong tháng đạt 92.000 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh trên tôm không còn bùng phát trên diện rộng nhưng vẫn diễn ra rải rác ở cả tôm sú và tôm chân trắng ở nhiều địa phương từ miền Trung đến ĐBSCL. Các cơ quan chuyên môn, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đang tích cực tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục bệnh tôm ở Việt Nam.

Từ vài năm gần đây, đã xuất hiện và lan tỏa nhanh một nghề nuôi mới. Đó là nghề nuôi một số loài cá nhập nội có đặc tính thích nghi với vùng nước nhiệt độ thấp (thường gọi là nuôi cá nước lạnh) như cá hồi vân và cá tầm. Đến nay, tại 21 tỉnh trên địa bàn cả nước, chủ yếu là các tỉnh miền núi, có thủy vực nước lạnh tự nhiên, có cơ sở nuôi các đối tượng này, năm 2011 đã sử dụng khoảng 150.000 m2 diện tích mặt nước, sản lượng gần 900 tấn. Nghiên cứu khép kín vòng đời cá tầm tại chỗ đã thu được kết quả thành công đầu tiên. Đây là nghề có nhiều hứa hẹn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nếu được quan tâm quản lý phát triển đúng đắn, sẽ mang lại việc làm, thu nhập cho dân cư các địa bàn khó khăn ở các tỉnh miền núi, vùng cao và đóng góp tích cực cho nền kinh tế cả nước.

Xuất khẩu thủy sản

XK thủy sản sang thị trường EU tiếp tục giảm mạnh, nhất là tại các nước NK lớn trong khối như Đức, Italia, Hà Lan. Mặc dù XK sang một số thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Nga,... tăng khá nhưng sự sụt giảm ở thị trường EU đã kéo kết quả chung xuống thấp. Giá trị XK trong tháng 7 ước chỉ đạt 520 triệu USD, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2011.

Tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị XK thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng chú ý trong giai đoạn này là, theo số liệu của Hải quan, giá trị NK thủy sản trong tháng 7 ước đạt 70 triệu USD, tính chung 7 tháng đầu năm nay cả nước đã NK 401 triệu USD thủy sản, tăng 157% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, nguồn cung nguyên liệu trong nước khan hiếm khiến các DN phải NK nguyên liệu ngày một nhiều hơn. 

Hoàng Thanh tổng hợp