TIN THỦY SẢN

Tổ chức sản xuất cá tra ĐBSCL không thể như hiện tại

Người nuôi đã hết cá lớn để bán cho doanh nghiệp.

Việc sắp xếp lại chuỗi sản xuất ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu cao này cần phải được thực hiện quyết liệt hơn mới mong nghề nuôi phát triển bền vững.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến những tín hiệu vui khi giá cá tra Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại. Trong đó, cùng với sự tác động của các chính sách vĩ mô thì tín hiệu thị trường khởi động trở lại đã góp phần giảm đi khó khăn cho nghề nuôi và chế biến xuất khẩu mặt hàng chiến lược của Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với sự phấn khởi thì còn đó những nỗi lo. Trong đó, việc sắp xếp lại chuỗi sản xuất ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu cao này cần phải được thực hiện quyết liệt hơn mới mong nghề nuôi phát triển bền vững.

Giá cá lên trở lại, nhưng kèm theo đó là thông tin nguồn cung trong dân đã gần cạn. Nguồn cung chính hiện nay là cá của doanh nghiệp liên kết nuôi với người dân hoặc tự đầu tư vùng nuôi để chế biến. Có thể nói, việc bị động về nguyên liệu một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về sự bất ổn trong quy hoạch vùng nguyên liệu cá tra, dẫn đến tình trạng khi thừa khi thiếu.

Ông Phan Văn Danh, người nuôi cá ở An Giang lo lắng: Hiện giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng. Sự tăng giá khá nhanh. Tôi không mừng chút nào mà lo nhiều hơn. Bời vì dân không còn cá để bán, đâu còn bao nhiêu người dân còn hưởng lợi từ đợt giá cao này.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 136 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, trong đó có 64 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, nhưng có đến 72 công ty thương mại. Trong các doanh nghiệp chế biến, chỉ có 5 doanh nghiệp có công suất chế biến trên 100 tấn/ngày, 10 doanh nghiệp có công suất khoảng 100 tấn/ngày, còn lại hầu hết là doanh nghiệp có công suất nhỏ.

Hiện có từ 70-80% số doanh nghiệp thủy sản lệ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp đang “hấp hối”. Do vậy, việc nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và đưa ngành cá tra thành ngành sản xuất có điều kiện cũng như xây dựng giá sàn, chất lượng sàn là giải pháp cho nghề sản xuất và nuôi trồng cá tra. Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá yêu cầu: “Công ty nào còn chế biến, còn nuôi công nhân được, còn làm ra sản phẩm xuất khẩu được thì tốt và khuyến khích. Còn một số ít doanh nghiệp nguy cơ phá sản thì phải xem lại”.

Cần nhìn nhận rõ một thực tế trong nhiều năm qua là khi thị trường rộ thu hoạch cá tra thì doanh nghiệp ép giá xuống, làm cho nông dân hoặc phải bán giá thỏa thuận, hoặc phải tốn kém thêm thức ăn để nuôi cá. Còn khi cá trong vùng nuôi không còn nhiều thì ngay lập tức giá cá tăng và xảy ra hiện tượng tranh mua. Điệp khúc nêu trên lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác làm cho người nuôi phần thì bị lỗ, phần thì không chắc thu được lãi, không an tâm nuôi nên sản lượng cá tra khi thì thừa, khi thì thiếu, kéo theo giá xuất khẩu không thể ổn định. Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng cung cầu bấp bênh thì rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Khi đó, người nuôi có thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguyên liệu do các doanh nghiệp đưa ra. Khi người nuôi và doanh nghiệp chế biến có mối quan hệ hỗ trợ nhau, ràng buộc quyền lợi thì mới có thể cùng chia sẻ phát triển bền vững ổn định nguồn lợi cá tra.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) đề nghị: “Cần củng cố lại doanh nghiệp và thị trường. Xây dựng được giá sàn nguyên liệu và giá sàn xuất khẩu để nâng cao uy tín cá tra. Qua đó gắn kết nông dân và doanh nghiệp bằng các chuỗi liên kết”.

“Khi thăng, khi trầm”, đây là cụm từ dùng rất nhiều để nói về sự phát triển “nóng” của ngành hàng cá tra xuất khẩu – một sản phẩm chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long. Thay vào đó, người dân ở vùng nuôi cần một nghề nuôi vững bền, ổn định và sống được với nghề./.

VOV Online