TIN THỦY SẢN

Tọa đàm” Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”: Tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp

Ông Vương Đình Huệ chủ trì buổi tọa đàm Phương Mai

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chủ trì Tọa đàm với sự tham gia của nhiều cán bộ cấp cao, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học và các hiệp hội ngành hàng trong lĩnh nông nghiệp.

Ông Vương Đình Huệ gợi ý các diễn giả tập trung thảo luận về những vẫn đề chính như: Động lực phát triển cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong đó có tái cơ cấu về không gian sản xuất nông nghiệp, tái cấu chuỗi ngành hàng nông nghiệp và tái cơ cấu mô hình sản xuất kinh doanh (nông trại quy mô lớn và kinh tế hộ gia đình). Chính sách về ruộng đất cũng được nhấn mạnh như một vấn đề trọng yếu trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Làm thế nào để có chính sách thúc đẩy tích tụ ruộng đất phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất lớn nhưng vẫn đảm bảo sinh kế cho sản xuất của các hộ nông dân. Vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp được coi là nhu cầu tất yếu cho giai đoạn phát triển mới của ngành nông nghiệp, nhưng để công nghiệp hóa có thể tạo đột phá trong nông nghiệp thì phải có chính sách như thế nào và bắt đầu từ đâu? Công nghiệp hóa liên quan thế nào đến nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Mở đầu cho buổi tọa đàm, nguyên thủ tướng Vũ Khoan cho rằng Việt Nam cần phải xác định rõ vị trí của ngành nông nghiệp trong tổng thể chung của ngành kinh tế quốc dân. Có nên dựa trên lợi thế về nông nghiệp để đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước như một số nước phát triển đã thành công, như Úc, Niu Di Lân, Đan Mạch, Hà Lan…. không? Theo ông, có định vị được vị trí ngành nông nghiệp thì mới có thể đưa ra những chính sách và cách tổ chức sản xuất phù hợp.

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng đặc thù của nền sản xuất nông nghiệp nước ta là sản xuất nhỏ, đã phát triển theo hướng hàng hóa nhưng chưa rõ ràng. Nông nghiệp bị cắt khúc trong quá trình công nghiệp hóa, vì vậy máy móc phục vụ canh tác nông nghiệp và chế biến nông sản đều không phát triển. Để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân phải thay đổi cách tổ chức từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lên sản xuất nông nghiệp tập trung để công nghiệp hóa bằng công nghệ, cơ giới hóa.... chăm lo xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp và tạo ra nhiều DN nông nghiệp hiện đại. Về chinh sách nguồn vốn: phải chú trọng hỗ trợ đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, có chính sách thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư cho ngành. Hiện tại, nông nghiệp không có trong diện cho vay của ODA, không phải là lĩnh vực thu hút FDI và nguồn sinh lợi nhiều nhất là các ngành dịch vụ cho nông nghiệp lại do các DN nước ngoài nắm giữ chủ yếu (thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…)

Về chính sách đất đai, nguyên bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nêu rõ qui hoạch đất đai phải thực hiện theo vùng lãnh thổ, vùng sinh thái tránh gây chia cắt vùng sản xuất nông nghiệp. Rà soát lại tổng quỹ đất dành cho khu công nghiệp vì hiện nay chưa khai thác hết, không để DN lấy thêm đất nông nghiệp. Vấn đề Biến đổi khí hậu cũng đang là một mối quan ngại lớn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng ĐBSCL, do sự tác động diến ra nhanh hơn so với dự đoán. Ông cũng cho rằng ngành khoa học công nghệ hiện còn lúng túng trong nông nghiệp. Vì vậy có thể chọn ra 10 sản phẩm XK tiêu biểu để đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị.

Đại diện cho ngành hàng có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã nêu rõ sau giai đoạn phát triển ấn tượng 2000-2008 với giá trị XK đạt trên 1,8 tỷ USD, ngành cá tra nước ta đến nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, sản xuất và XK chững lại. Do vậy để giúp sản phẩm này trở thành một ngành sản xuất lớn, mang lại hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, ông đề xuất bảy kiến nghị chính với nội dung cụ thể như sau: Quy định điều kiện nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra; Áp dụng cơ chế kiểm soát hạn ngạch sản lượng nuôi cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường; Kiển soát Nhà nước về chất lượng trong toàn chuỗi; Có cơ chế tín dụng phù hợp với mô hình sản xuất; Áp dụng cơ chế đầu mối dịch vụ XK; Tạo chế tài để phát triển và bảo vệ thị trường ngành cá tra; Quy định trách nhiệm của hiệp hội tham gia quản lý các hoạt động liên quan đến DN chế biến, XK cá tra.

Buổi tọa đàm kết thúc sau một ngày làm việc. Các ý kiến đóng góp và đề xuất đã được Ban kinh tế Trung ương tiếp nhận và sẽ phản ánh trong hội nghị tổng kết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đảng trong thời gian tới.

Phương Mai Vietfish.org, 24/11/2013