TIN THỦY SẢN

Tôm, cá... chưa có lối ra

Trong năm qua có tới 100.766ha bị bệnh chết do hoại tử gan tụy, đốm trắng, đầu vàng... Ảnh tepbac NGUYỄN PHÚ

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, khi kim ngạch xuất khẩu năm 2012 chỉ đạt 6,18 tỉ USD, không hoàn thành chỉ tiêu đề ra là 6,5 tỉ USD. Đáng lo ngại là hàng loạt doanh nghiệp thủy sản đã “rơi rụng” do thị trường tiêu thụ khó khăn, giá xuất thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến thua lỗ.

Năm 2012, là năm thứ hai liên tiếp người nuôi cá tra lỗ nặng do giá cá rớt thê thảm còn 19.000-21.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất 2.000-3.000 đồng/kg. Theo thống kê, tổng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra hiện nay chỉ khoảng 160 doanh nghiệp, giảm 30% số lượng so năm 2011. Trong số này, chỉ 20% doanh nghiệp duy trì được xuất khẩu ổn định, hàng loạt doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng.

Đối với con tôm, trong năm qua có tới 100.766ha bị bệnh chết do hoại tử gan tụy, đốm trắng, đầu vàng… Mặc dù, các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp phòng chống, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài về ĐBSCL giúp sức, nhưng việc ngăn chặn dịch bệnh trên tôm vẫn bất thành. Xuất khẩu tôm cũng giảm mạnh, nặng nhất là thị trường EU do ảnh hưởng khủng hoảng nợ công và khả năng thanh toán thấp của các nhà nhập khẩu.

Trong khi thị trường Hoa Kỳ giảm tới 15,6% so với năm ngoái; tôm Việt Nam còn bị cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador… khiến thị phần ngày càng thu hẹp. Thị trường Nhật Bản giảm do các cơ quan thẩm quyền nước này kiểm soát chặt chất Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam. Khó khăn chồng chất khó khăn đã khiến 70% số nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng.

Có nhiều ý kiến từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhà chuyên môn… về việc khẩn trương “cứu” con tôm - con cá như: Hỗ trợ vốn, tìm thị trường mới, khống chế dịch bệnh, nâng giá nguyên liệu trong nước và giá xuất khẩu, tăng cường liên kết để tăng sức cạnh tranh… Song, mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Các ngân hàng thì cho rằng luôn đảm bảo nguồn vốn cho lĩnh vực thủy sản, trong đó riêng cá tra đã cung ứng hơn 32.000 tỉ đồng. Thế nhưng, các doanh nghiệp và người nuôi kêu la không tiếp cận được vốn vay. Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình cho vay vốn đối với cá tra ở ĐBSCL.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đồng Tháp cho biết, hiện dư nợ cho vay cá tra gần 5.368 tỉ đồng, chiếm hơn 89% tổng dư nợ cho vay thủy sản. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là giá cá tra xuống thấp khiến người nuôi thua lỗ nên việc phát triển gặp nhiều trở ngại. Đối với con tôm dù giá cả có nhích lên, nhưng người nuôi vẫn phập phồng lo sợ dịch bệnh tái phát trước thềm vụ tôm mới 2013 sắp tới.

Có thể nói, nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản là thế mạnh của ĐBSCL và nước ta. Song, mọi việc diễn ra lâu nay còn mang tính tự phát, thiếu định hướng, quy hoạch, quản lý, thiếu liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp.

Chuyện doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau bán phá giá, làm hàng kém chất lượng, tự hại nhau; trong khi người nuôi cá tra bị đè giá, thường xuyên bán cá dưới giá thành sản xuất; còn người nuôi tôm liên tục trắng tay vì dịch bệnh… Tất cả diễn ra hàng ngày nhưng các giải pháp ngăn chặn và xử lý rất chậm, chưa đủ công hiệu. Và người chịu thiệt cuối cùng vẫn là nông dân.

NGUYỄN PHÚ Báo Hậu Giang