TIN THỦY SẢN

Tôm, cá Việt Nam sao chịu mãi bất công?

Đặng Khanh

26/9 là thời hạn chót, cần nhanh chóng tập hợp số liệu và bằng chứng để chứng minh, mới mong Hoa Kỳ thay đổi quyết định

Ngày 12/8/2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp mức thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và 6 quốc gia khác. Trong đó, các công ty của Việt Nam phải chịu mức thuế là 4,52%, riêng Công ty Thủy Sản Minh Quý 7,88% và Công ty Thủy sản Nha Trang 1,15%. Quyết định nêu trên được thực thi, sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ chịu 2 lần thuế.

Ngay sau khi, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tuyên bố áp mức thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đều chính thức lên tiếng phản đối quyết định này và cho rằng: “Đây là một quyết định không công bằng đối với ngành tôm Việt Nam”. Sự phản đối kịp thời của các hiệp hội, ngành nghề là cần thiết, góp thêm tiếng nói, tìm lại công bằng cho thủy sản Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Không còn nhiều thời gian

Để bảo vệ sản xuất trong nước, nhiều nước thường dựng lên những rào cản thương mại, kỹ thuật. Vì vậy, các vụ kiện đang có xu hướng ngày một gia tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải có những am hiểu thị trường để chủ động vượt rào hoặc xử lý hiệu quả những tranh chấp nảy sinh.

Lý giải về quyết định bất công này, ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, nói: “Có thể là do Việt Nam chưa được Hoa Kỳ công nhận có nền kinh tế thị trường”.

Trên thực tế, toàn bộ chuỗi sản xuất tôm (sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến xuất khẩu) ngư dân và doanh nghiệp Việt Nam không nhận được bất kỳ sự trợ cấp nào từ Chính phủ Việt Nam.

Vì vậy, từ giờ đến ngày 26/9 tới là thời hạn chót, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tập hợp số liệu và bằng chứng để chứng minh cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Ủy ban điều tra chống trợ cấp sản phẩm tôm Hoa Kỳ và Quốc hội Hoa Kỳ thấy rằng, ngư dân và doanh nghiệp sản xuất tôm không nhận được bất kỳ sự trợ cấp nào từ Chính phủ Việt Nam, mới mong phía Hoa Kỳ thay đổi quyết định này.

Ông Nguyễn Tử Cương cũng cho rằng, chúng ta cũng nên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Hoa Kỳ, để giúp người tiêu dùng nước này hiểu rằng: Sản phẩm tôm đánh bắt từ biển của Hoa Kỳ có đối tượng tiêu dùng hoàn toàn khác so với tôm nuôi của Việt Nam và tôm nuôi của các quốc gia châu Á khác. Việc áp thuế chống trợ cấp của Chính phủ đối với tôm nuôi của Việt Nam vào Hoa Kỳ là hoàn toàn phi lý và không phù hợp với quy định trong Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT-Agreement on Technical Barriers to Trade) của WTO.

Từ nhiều năm nay, sản phẩm tôm của Việt Nam đã phải chịu thuế chống bán phá giá phi lý vào thị trường Hoa Kỳ. Nếu quyết định trên được thực thi thì sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải chịu hai lần thuế. Điều này không những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của 600.000 lao động (chủ yếu là dân nghèo) trong ngành sản xuất tôm của Việt Nam, mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng Hoa Kỳ và đi ngược lại xu thế hợp tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đang được Chính phủ, các doanh nghiệp và nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ nỗ lực thực hiện.

Thực tế, trong phiên điều trần vừa qua, các doanh nghiệp nhập khẩu tôm từ Việt Nam cho rằng, tôm đánh bắt ngoài tự nhiên của Hoa Kỳ chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu tôm của nước này và có đối tượng khách hàng riêng. Trong khi đó, tôm nuôi của Việt Nam có độ đồng đều, bảm đảm chất lượng và cũng đáp ứng những đối tượng khách hàng riêng. Vì vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ khẳng định, tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam không thể gây thiệt hại cho ngành sản xuất tôm của nước này. Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cũng cảnh báo, quyết định của DOC có thể làm các nhà xuất khẩu tôm chuyển sang các thị trường khác, gây thiếu hụt nguồn cung tôm. Điều này sẽ đẩy giá tôm tăng cao tại thị trường Mỹ và người gánh chịu không ai khác chính là dân tiêu dùng Mỹ.

Mặt khác, ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã và đang tiêu thụ nhiều nguyên liệu làm thức ăn từ Hoa Kỳ, qua đó góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp nước này phát triển. Theo thống kê, trong năm 2011 Việt Nam đã nhập hơn 227 nghìn tấn đậu tương từ Mỹ, trị giá gần 136 triệu USD, nhưng sang năm 2012, con số này đã tăng vọt lên lần lượt là hơn 460 nghìn tấn đậu tương, trị giá hơn 345 triệu USD. Chính vì vậy, ngành tôm Việt Nam bị ảnh hưởng khiến lợi ích của nhiều nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu

Tuy nhiên về lâu dài, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều vụ kiện tương tự, do vậy chúng ta sớm tìm ra những “đối sách” hiệu quả để giải quyết các vụ kiện trong tương lai.

Câu chuyện phản ứng của Trung Quốc trước quyết định Ủy ban châu Âu (EC) dự định đánh thuế chống bán phá giá sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ nước này có thể là bài học quý cho Việt Nam.

Ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ đánh thuế chống bán phá giá sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã “đáp trả” bằng cách phát động cuộc điều tra bán phá giá đối với sản phẩm rượu vang và ống thép nhập khẩu từ châu Âu. Mặt khác, Trung Quốc cũng kêu gọi đối thoại giữa hai bên để đưa ra một cách tiếp cận hợp lý, nhằm dẫn đến một thỏa thuận cân bằng, có thể chấp nhận được trong khuôn khổ môi trường đầu tư của hai bên.

Và chỉ một thời gian ngắn sau, EU đã phải “xuống thang” và chấp nhận đàm phán với Trung Quốc để tránh một cuộc chiến thương mại mà cả hai bên đều sẽ chịu tổn thất. Ông Karel De Gucht - Ủy viên thương mại của EC đã phải nói: “EU chỉ có một mong muốn là tìm giải pháp giải quyết tranh chấp xung quanh vấn đề pin năng lượng mặt trời một cách nhanh nhất, dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, nhằm tránh thương tổn cho thị trường hai bên”.

Đúng là “ông có đưa chân giò, bà mới thò chai rượu”, ông Nguyễn Tử Cương nói.

Thực tế tuyên bố của Trung Quốc đã có tác động mạnh đến nhiều thành viên EU do lo ngại các biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của các loại rượu vang và rượu mạnh từ châu Âu sang thị trường Trung Quốc vượt hơn một tỷ euro.

Ông Nguyễn Tử Cương gợi ý: Tại sao ta không điều tra, đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Mỹ như đậu nành, bột cá, ngô hay thịt bò? (Được biết, ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã nhập khẩu nhiều

Cần lắm một tinh thần bó đũa

Trên thực tế, hầu hết các vụ kiện đều xuất phát từ vấn đề lợi ích. Câu chuyện về con cá tra bị kiện tại thị trường Mỹ năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Ban đầu giá cá tra Việt Nam được mang vào bán tại thị trường Mỹ với giá 4,5 USD/kg, tương đương với giá bán cá da trơn của người nuôi Mỹ nên còn chấp nhận được.

Nhưng sau một thời gian, các doanh nghiệp của ta với lối làm ăn cá lẻ đã “tự hại nhau” bằng cách thi nhau giảm giá cá tra xuống còn 2,3 USD/kg, khiến cá da trơn nuôi của người nuôi Mỹ không bán được nên họ mới phát đơn kiện. Điều này cho thấy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam từ bỏ lối làm ăn “cá lẻ”, cùng đoàn kết với tinh thần “bó đũa”, giữ một mặt bằng giá hợp lý thì các doanh nghiệp có thể tránh được các vụ kiện.

Vậy mà hôm nay, con tôm vẫn đi lại vết xe đổ của con cá tra năm xưa, vẫn còn đó lối làm ăn rời rạc, manh mún, thiếu đoàn kết và một tầm nhìn. Ông Nguyễn Tử Cương cũng chỉ ra 6 hiện trạng dẫn đến 6 hậu quả của công tác tổ chức sản xuất tôm hiện nay.

Một là, nuôi tôm chủ yếu còn nhỏ lẻ, manh mún do tự phát, thiếu quy hoạch hoặc không tuân thủ quy hoạch, hệ thống thủy lợi chung cho nông nghiệp không đáp ứng yêu cầu nuôi trồng thủy sản… dẫn đến hậu quả là không kiểm soát được dịch bệnh lây nhiễm.

Hai là, phân công nhiệm vụ quản lý nuôi thủy sản không phù hợp, chồng chéo nên khi bệnh dịch xảy ra không có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Ba là, việc quản lý giống, thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh còn gây phiền hà, thiếu hiệu quả dẫn đến không kiểm soát được bệnh lây nhiễm dọc, người nuôi tiền mất tật mang, một số công ty cung cấp giống, thức ăn lại phải làm thay nhiệm vụ của khuyến ngư.

Bốn là, sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản chưa theo hướng bền vững do chưa có trại giống theo tiêu chuẩn VietGAP dẫn đến mới chỉ có 10 cơ sở nuôi tôm áp dụng này, với diện tích chưa đến 200 ha. Vì vậy, các cơ sở nuôi kiểm soát không hiệu quả dịch bệnh trên tôm, ảnh hưởng môi trường, sản phẩm thiếu an toàn.

Năm là, chưa gắn kết hoạt động nuôi với chế biến và thị trường do các cơ quan quản lý và người nuôi đều không nắm rõ được nhu cầu thị trường. Đặc biệt là bị động và đối phó chưa hiệu quả với các rào cản thương mại của các nước.

Tình trạng tranh mua, tranh bán, giảm giá giành khách vẫn chưa được kiểm soát dẫn đến giá bán tôm của Việt Nam thấp hơn mặt bằng giá chung, gây thiệt hại cho cả người nuôi và doanh nghiệp, đồng thời tạo cớ cho các vụ kiện chống bán phá gia bùng phát./.

Đặng Khanh VOV online