Tôm chết vì bệnh đốm trắng, sốc nhiệt...
Hơn 1 tháng qua, gia đình ông Lê Văn Cư ở xóm Phong Yên, xã Hưng Hoà, TP.Vinh (Nghệ An) như ngồi trên đống lửa khi 20 vạn con tôm giống nhà ông vừa mới thả đã chết gần hết. Theo đó, vụ tôm năm nay gia đình ông nuôi thả 3 hồ với gần 1ha diện tích mặt nước. Mới thả được một thời gian thì không hiểu sao tôm bất ngờ lăn ra chết.
Theo đó, vụ tôm năm nay gia đình ông nuôi thả 3 hồ với gần 1ha diện tích mặt nước. Mới thả được một thời gian thì không hiểu sao tôm bất ngờ lăn ra chết. Tính đến nay cả 3 hồ với 20 vạn tôm giống của gia đình ông Cư đã chết sạch. Riêng tiền tôm giống, gia đình ông mất trắng 40 triệu đồng. Ông Cư nói, gia đình đã đầu tư và chăm sóc rất cẩn thận nhưng không hiểu sao tôm vẫn chết. Theo ông, thời tiết mưa, nắng thất thường quá, con tôm thì lại rất nhạy cảm với thời tiết...
Thống kê của UBND xã Hưng Hòa, toàn xã có 74 hồ nuôi tôm bị bệnh, tương ứng 29/152,8ha (chiếm 18,97%). Thực trạng tôm chết cũng đang xảy ra tại thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu... Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 58,1ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Kết quả quan trắc những vùng tôm bị bệnh đều phát hiện mầm bệnh đốm trắng trên hệ thống kênh cấp và kênh tiêu. Thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh...
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Vụ nuôi thả tôm chính ở địa phương là từ tháng 4 – 8 hàng năm, nhiệt độ thích hợp cho tôm phát triển là từ 25 – 30oC. Tuy nhiên, những tháng hè nhiệt độ ngoài trời ở địa phương luôn cao từ 38 – 40oC, thậm chí có thời điểm còn lên quá 40oC. Nắng nóng gay gắt sẽ làm nhiệt độ nước tăng cao làm cho quá trình phân huỷ chất hữu cơ cũng tăng, sinh ra nhiều khí độc dưới tầng đáy, làm tăng nguy cơ nhiễm độc của tôm khi di chuyển xuống đáy để tránh nắng. Nắng nóng cũng làm phân tầng nhiệt độ từ mặt nước xuống đáy, khi tôm di chuyển sẽ bị sốc nhiệt mà chết. Ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao làm cho hàm lượng dinh dưỡng trong ao nhiều, tạo điều kiện cho các loài tảo phát triển, tiết ra độc tố và khi tàn lụi đồng loạt gây thiếu ôxy, ô nhiễm nước ao, làm tôm chết...
Vừa qua, Trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu đã thí điểm thả 24 vạn giống tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi có lưới che ở hộ ông Hồ Ngọc Thắng ở xã Quỳnh Đôi. Diện tích hồ thí điểm rộng 3.000m2, sử dựng lưới che một nửa diện tích mặt nước. Dự kiến thời gian thả nuôi đến lúc thu hoạch tôm kéo dài 3 tháng, tôm đạt kích cỡ 60 – 70 con/kg. Hiện tôm đã thả được hơn 1 tháng, sức khoẻ và sinh trưởng rất tốt. “Hiện nay, trên địa bàn Quỳnh Lưu và Diễn Châu đã xuất hiện tôm chết hàng loạt nhưng tôm ở đầm có lưới che vẫn phát triển sinh trưởng tốt” - chủ đầm tôm cho hay.