Tôm có thể đạt 10 tỷ USD?
Theo VASEP, năm 2016, XK tôm ước đạt trên 3,15 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2015. Qua đó, tôm tiếp tục là sản phẩm XK số 1 của thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nhân và chuyên gia ngành tôm, giá trị XK tôm như vậy vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng của ngành tôm Việt Nam.
Nếu có định hướng phát triển tốt, con tôm hoàn toàn có thể đạt giá trị XK từ 10 tỷ USD trở lên.
Dư địa tăng trưởng giá trị XK của ngành tôm, trước hết đến từ nhu cầu của thị trường thế giới. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, TGĐ Cty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, do phong tục, tôn giáo…, nhiều quốc gia trên thế giới không ăn thịt heo hay thịt bò, nhưng hầu như ai cũng ăn tôm. Tôm còn là một trong những nguyên liệu phổ biến trong chế biến nhiều loại thực phẩm khác.
Ông Nguyễn Huy Điền, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho hay, cho đến nay, vẫn chưa có tổ chức nào trên thế giới, kể cả FAO dự đoán được ngưỡng giới hạn của nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn cầu. Những thông tin này cho thấy dư địa để Việt Nam tăng trưởng XK tôm trong những năm tới vẫn còn rất lớn. Nhiều doanh nhân ngành tôm cho rằng XK tôm nước ta hoàn toàn có thể đạt tới 10 tỷ USD.
Một câu hỏi được đặt ra là để đạt được mục tiêu nói trên, phải làm gì khi giá trị XK tôm hiện mới ở mức 3-4 tỷ USD/năm?
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Minh Phú, phải tập trung đẩy mạnh sản xuất tôm sú. Hiện nay, sản lượng tôm toàn cầu vào khoảng trên 5,5 triệu tấn/năm, thì trong đó tôm sú chiếm khoảng 1,1 triệu tấn (20%).
Điều đáng chú ý là trong số những quốc gia đang đóng góp vào 1,1 triệu tấn tôm sú, nhiều nước đang giảm mạnh sản lượng loại tôm này. Chẳng hạn trước đây, 40% sản lượng tôm của Indonesia là tôm sú, nay chỉ còn 20%; Ấn Độ cũng từng có 40% sản lượng là tôm sú, nay chỉ còn 15%… Các nước Nam Mỹ đã hầu như không còn nuôi tôm sú.
Chính vì vậy, sự thiếu hụt nguồn cung tôm sú trên toàn cầu đang rất lớn. Bằng chứng là trong năm 2016, giá tôm sú thường cao hơn tôm thẻ chân trắng tới 5 USD/kg, nhưng Tập đoàn Minh Phú vẫn không đủ hàng để giao cho các nhà NK.
Ông Quang cho biết thêm, trên thế giới hiện đã có một lượng người tiêu dùng không nhỏ luôn chỉ ăn tôm sú dù là với giá nào. Vì thế, có những hệ thống khách sạn, nhà hàng lớn chỉ mua tôm sú mà không mua tôm khác.
Do đó, trong khi hàng loạt nước sản xuất tôm giảm mạnh diện tích nuôi tôm sú thì Việt Nam, với vị thế là nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, cần tận dụng cơ hội này.
Bên cạnh đó, ông Quang cho rằng cần phải từ bỏ thói quen thả tôm nước lợ với mật độ quá dày như hiện nay để chuyển sang nuôi thưa, dùng giống kháng bệnh. Đó là bài học thực tế mà ông Quang đã học hỏi được từ chuyến đi Ecuador.
Ở nước này, hiện người ta thả tôm với mật độ rất thấp, chỉ 10-30 con/m2, tôm lại dùng giống kháng bệnh, do đó đã giảm thiểu được nguy cơ dịch bệnh và nâng cao được năng suất. Nhờ vậy, Ecuador tuy chỉ có 170.000 ha tôm nhưng sản lượng đạt tới khoảng 500.000 tấn, gần tương đương với Việt Nam (trong khi diện tích tôm ở Việt Nam hiện tới trên 600.000 ha).
Nếu chuyển sang nuôi tôm với mật độ vừa phải và dùng giống kháng bệnh, năng suất tôm bình quân nước ta hoàn toàn có thể nâng lên tới 1,5 tấn/ha.
Hiện nay, đã có những DN sản xuất được tôm giống chất lượng tốt từ nguồn tôm bố mẹ NK được nghiên cứu, lai tạo và chọn giống di truyền qua nhiều thế hệ, nên khả năng kháng bệnh và sinh trưởng rất tốt. Với trên 600.000 ha nuôi tôm hiện nay, nếu tổ chức thả thưa và dùng toàn bộ giống kháng bệnh để đạt năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, là có sản lượng xấp xỉ 1 triệu tấn tôm. Giá tôm nói chung trên toàn cầu hiện khoảng trên 10 USD/kg.
Như vậy, 1 triệu tấn tôm có thể thu về 10 tỷ USD giá trị XK. Không những vậy, thả thưa và giống kháng bệnh sẽ giúp giảm mạnh giá thành, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Một giải pháp khác để nâng cao sản lượng tôm là mở rộng diện tích nuôi tôm trên vùng đất ven biển bị ảnh hưởng xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, nếu đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, áp dụng công nghệ cao, đưa những tiến bộ KHKT vào từng công đoạn sản xuất tôm…, diện tích tôm nước lợ hoàn toàn có thể tăng lên tới 2 triệu ha. Và khi ấy, việc đạt giá trị XK tôm 10 tỷ USD là trong tầm tay.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ ở khu vực phía Nam (ngày 6/10/2016), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xâm nhập mặn gia tăng ở ĐBSCL là cơ hội tốt để mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ. Bộ trưởng nhấn mạnh mặn đến đâu thì nuôi tôm đến đó. Qua đó, có thể nâng diện tích tôm lên 1-2 triệu ha để đạt 1-2 triệu tấn tôm thương phẩm.