Tôm giống Đồng bằng sông Cửu Long: Mua 1 con, tặng 1/2 con!
Dù chậm hàng tháng trời so với vụ tôm năm trước, nhiều người nuôi tôm lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa dám xuống giống tôm do thời tiết nắng nóng và xâm nhập mặn, khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống lần đầu tiên áp dụng chiêu thức khuyến mãi "Mua 1 tặng 1" với con giống nhưng vẫn không tiêu thụ được do người nuôi rất thận trọng với thời tiết, nhất là khi chính quyền địa phương cảnh báo rủi ro khi xuống giống tôm.
Tôm giống: "Mua 1, tặng 1"
Cả năm ao nuôi công nghiệp đã được cải tạo xong, nhưng ông Nguyễn Văn Mai (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) vẫn chưa mạo hiểm mua con giống thả nuôi dù đã trễ hơn một tháng so với vụ trước, do thời tiết vẫn đang rất nắng nóng. "Nhiều người nuôi tôm cũng đang nóng ruột nhưng thời tiết này mà thả giống là quá nguy hiểm" - ông Mai cho biết.
Cách đó không xa, ao tôm của ông Mai Văn Thạnh cũng chưa được thả giống, dù mọi thứ đã sẵn sàng và đại lý bán con giống ngày nào cũng thúc hối cùng cam kết "khuyến mãi sâu". Đã nuôi tôm gần 15 năm, nhưng đây là lần đầu tiên ông Thạnh thấy doanh nghiệp cung ứng con tôm giống có khuyến mãi "lạ đời" như hiện nay.
"Những năm trước, nhà cung cấp giống khuyến mãi hạ giá một vài đồng/con. Còn bây giờ, mua một con tặng nửa con, có công ty còn một tặng một. Người nuôi tôm vẫn muốn hạ giá chứ đừng khuyến mãi hình thức này, thả giống dày không hay" - ông Thạnh nói.
Bà Quách Thị Thanh Bình, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết do sản xuất thành công với lượng con giống nhiều, trong khi người nuôi đang rất dè dặt thả giống nên các nhà sản xuất tôm giống tung chiêu khuyến mãi.
"Sóc Trăng mới thả nuôi tôm được khoảng 5.000ha, chiếm hơn 10% diện tích. Người dân rất thận trọng, đủ điều kiện mới thả giống" - bà Bình cho biết.
Nhiều người nuôi tôm tại Bến Tre cũng rất dè dặt khi xuống giống tôm vụ mới, do nguồn nước bị xâm nhập mặn khiến các vùng nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng theo.
Ông Nguyễn Văn Lý (xã An Quy, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) cho biết độ mặn lý tưởng để thả tôm khoảng 8-10 phần ngàn. Cao lắm cũng chỉ 12 phần ngàn nhưng hiện nay mọi nguồn nước ở đây đã vượt quá 20 phần ngàn.
"Nếu muốn nuôi lúc này phải pha loãng với nước ngọt cho giảm độ mặn mới dám thả giống nhưng sẽ rất tốn kém nên cứ treo vuông một thời gian để độ mặn giảm rồi tính tiếp" - ông Lý nói.
Tại các vùng chuyên nuôi tôm ở Bến Tre như huyện Ba Tri, huyện Bình Đại..., người dân cũng thả con giống rất ít. Xen lẫn giữa một vuông đang sục oxy là 2, 3 vuông đang bị trơ đáy, hệ thống cánh quạt tạo oxy nằm chỏng chơ hai bên bờ.
Nhiều nguy cơ thiếu nguyên liệu
Ông Hồ Quốc Lực, tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta, nhận định vụ tôm năm nay nhiều thách thức, khó khăn. Ngoài tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yếu tố đầu vào mọi thứ đều tăng, nắng nóng, hạn mặn khiến người nuôi nản lòng.
Theo ông Lực, lâu nay người nuôi tôm quen nguồn nước mặn thấp, nay mặn tăng đột ngột nên trở tay ứng phó chưa kịp.
Kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao nhiều năm nên ông Lực nhận định độ mặn cao, kết hợp nắng nóng đã tác động đến hệ sinh thái, có một số bệnh trên tôm, mùa lạnh mới có, bây giờ xuất hiện luôn trong mùa nóng nắng.
"Nếu tiến độ thả nuôi chậm, người dân đắn đo chưa mạnh dạn thì nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến phục vụ xuất khẩu sẽ xảy ra" - ông Lực nhận định.
Ông Võ Quan Huy, chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho biết chưa khi nào người nuôi tôm lại thận trọng thả giống như lúc này. "Sự thận trọng này cần thiết. Với diễn biến nước mặn cao như hiện nay, những hộ nuôi tôm hạ tầng kỹ thuật chưa tới không dám lấy nước vào, chưa nói chi phí xử lý nước tốn kém" - ông Huy nói.
Bà Quách Thị Thanh Bình cho rằng nắng nóng, hạn mặn tập trung trong tháng 4. Theo bà Bình, khi nắng nóng, độ mặn quá cao gặp nhau, cộng thêm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm làm cho tôm dễ bị sốc nhiệt, mẫn cảm với các bệnh khác.
Ông Lương Minh Quyết, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết đã khuyến cáo người dân không thả nuôi mật độ dày. "Địa phương đã kết hợp các viện, trường chuyển giao, tập huấn kỹ thuật phòng ngừa bệnh trên tôm trong giai đoạn nắng hạn, nước mặn cao" - ông Quyết cho biết.
Khuyến cáo người dân không vội xuống giống
Ông Nguyễn Văn Buội, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết trước tình hình thời tiết bất lợi và thị trường đang có sự biến động, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến cáo người nuôi tôm nên chậm thả giống, rải đều chứ không thả tập trung vào một thời điểm để tránh rủi ro. Theo ông Buội, Bến Tre hiện có khoảng 35.000ha diện tích tôm nước lợ nhưng đến nay người dân mới chỉ thả giống khoảng 30%.
Về mặt giá cả, giá tôm cũng đang giảm. Dù đang mùa "thấp điểm" thu hoạch tôm nhưng giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm thời gian gần đây, với mức giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với mức giá đầu tháng. Theo ông Hồ Quốc Lực, việc thu mua cũng như chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm tiêu thụ tôm mạnh, các nước nhập khẩu chưa có nhu cầu lớn. "Phải từ tháng 5 trở đi, thị trường xuất khẩu sẽ ấm dần" - ông Lực nói.