TIN THỦY SẢN

Tôm nuôi ở Trường Định chết hàng loạt: Do đâu?

Người dân thu hoạch sớm tôm nuôi chạy dịch bệnh. Nguyễn Cầu

Người nuôi tôm tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đang điêu đứng trước cảnh tôm thẻ chân trắng từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng tuổi bỗng dưng chết hàng loạt. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Khác hẳn với không khí sôi động của các vụ trước, vụ 2 này, đến vùng tôm Trường Định cảm thấy yên ắng đến lạ. Trên các ao hồ, những giàn máy sục khí nằm bất động. Thay vì ra ao hồ cho tôm ăn, người nuôi tôm tập trung tại trại ngồi tán chuyện, ai nấy nét mặt buồn xo. Tìm hiểu mới hay, họ đang đối mặt với thua lỗ nặng do ngày nào cũng có tôm chết nổi đầy ao.

Chỉ tay ra mặt hồ đang lăn tăn gợn sóng, ông Mai Phước Thiệt, người thả nuôi trên diện tích 6 sào cho hay: “Vụ tôm này thua lỗ nặng. Hôm trước, cho ăn vẫn thấy tôm khỏe mạnh như thường, thế mà hôm sau tôm chết nổi đầy ao. Từng đối mặt với nhiều lần tôm nhiễm bệnh, nhưng chưa khi nào tôm nuôi chết hàng loạt và nhanh như vụ này. Vụ 1 vừa qua, do mưa trái mùa, năng suất không bằng mọi năm. Vụ 2 này coi như mất cả chì lẫn chài, đầu tư 40 triệu đồng có lẽ chẳng thu được đồng nào”.

Hỏi về nguyên nhân tôm chết, ông Thiệt thở dài: “Thấy tôm chết nhiều quá, bà con điện báo cho thú y thủy sản, đề nghị xuống kiểm tra. Họ đã lấy mẫu nước, mẫu tôm về xét nghiệm. Nghe đâu tôm bị nhiễm khuẩn Vibrio, gây hoại tử gan. Bệnh này phát sinh coi như bó tay. Còn theo kinh nghiệm của bà con ở đây, tôm bị nhiễm khuẩn rất có thể do thời tiết nắng nóng kéo dài”.

Cũng thả nuôi trên diện tích 6 sào mặt nước, vụ tôm này, ông Mai Phước Binh, Chi hội trưởng nuôi tôm Trường Định thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Lão nông dạn dày kinh nghiệm nuôi tôm, từng có nhiều vụ trúng đậm này cũng bất lực trước thực trạng tôm chết hàng loạt.

“Nuôi tôm như vậy đó. Có vụ trúng đậm, nhưng rồi có vụ thua lỗ nặng. Con tôm rất nhạy cảm với thời tiết. Có khi chỉ cần trận mưa trái mùa, tôm nhiễm bệnh chết. Có khi nắng nóng kéo dài, vi khuẩn phát sinh tôm chết hàng loạt và chết rất nhanh. Tính ra, vụ 2 này bà con nuôi tôm ở Trường Định thất thu 2 - 3 tỷ đồng”, ông Binh cho hay.

Trao đổi về tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt, ông Nguyễn Văn Đức, cán bộ thú y thủy sản thuộc Chi cục Thú y cho biết: “Qua xét nghiệm cho thấy, tôm ở Trường Định bị nhiễm Vibrio (SPT) dẫn đến chết hàng loạt. Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài và việc xử lý ao nuôi sau vụ 1 không thật chu đáo. Loại dịch bệnh này không nằm trong danh mục phải công bố, nên thú y thủy sản chỉ thông báo đến người nuôi và khuyến cáo về cách xử lý.

Hiện tại, hầu hết các ao nuôi bị nhiễm bệnh bà con đều thu hoạch sớm. Để hạn chế thấp nhất tình trạng tương tự xảy ra cho các vụ tới, yêu cầu bắt buộc đối với người nuôi tôm là phải xử lý ao hồ thật chu đáo theo quy trình kỹ thuật, trước khi thả nuôi”.

Nói về khó khăn của bà con nuôi tôm ở Trường Định, ông Mai Phước Binh chia sẻ: “Khó khăn thì nhiều lắm. Năm nay, không chỉ mất mùa mà còn mất giá. Vụ 1 vừa qua, năng suất tạm được, nhưng giá thấp nên thu nhập không bằng mọi năm.
Trước đây, tôm loại 100 con/kg, có giá 120.000 đồng/kg, nay chỉ còn 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, điện, thức ăn đều tăng giá. Do thất thu, nhiều hộ đang ăn ngủ không yên chỉ vì nợ ngân hàng đến kỳ trả mà không xoay đâu ra nguồn để trả. Bà con nuôi tôm rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ khi thất bát này.

Mấy năm gần đây, hiệu quả kinh tế tại đồng tôm Trường Định luôn dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang. Thu nhập cao, nhiều hộ mở rộng diện tích nuôi. Từ 16,5ha của 26 hộ đầu năm 2014, đến nay đồng tôm Trường Định đã mở rộng lên 26ha của 33 hộ.

Tuy vậy, do không có quy hoạch và sự đầu tư bài bản, vùng tôm này đang đối mặt với thực trạng mở rộng diện tích theo kiểu tự phát ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm soát dịch bệnh. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng ở Đà Nẵng cần quan tâm hơn đến hoạt động nuôi tôm ở thôn Trường Định; việc đầu tư xây dựng tại đây thành vùng nuôi tôm quy mô công nghiệp là vấn đề rất cần thiết.

Nguyễn Cầu Báo Đà Nẵng, 10/07/2015