TIN THỦY SẢN

Tôm nuôi thiệt hại giảm, xuất khẩu tăng mạnh

Công nhân chế biến tôm tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL - Ảnh: Trung Chánh Trung Chánh

Tính đến cuối tháng 10-2013, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong cả nước giảm mạnh, chỉ còn bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái, dù số địa phương có dịch có chiều hướng tăng lên. Đây được xác định là điều kiện góp phần đưa xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Báo cáo tham luận tại hội nghị “Phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014” được tổ chức ở Cần Thơ vào hôm 8-11, ông Trần Đình Luân, Phó cục trưởng Cục thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết dù tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi nói chung và dịch bệnh trên tôm nói riêng trong 10 tháng đầu năm nay giảm đáng kể so với năm ngoái nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp.

Theo ông Luân, trong 10 tháng đầu năm 2013, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong cả nước là 5.705 héc ta (trong đó có 2.423 héc ta tôm thẻ chân trắng và 3.282 héc ta tôm sú), chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái (25.227 héc ta).

“Tuy nhiên, 10 tháng qua, có đến 192 xã của 57 huyện ở 18 tỉnh, thành trong cả nước xuất hiện dịch, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 5 xã, 7 huyện và 2 tỉnh, thành”, ông cho biết.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến số địa phương xảy ra dịch bệnh trên tôm tăng, nhiều đại biểu tham dự hội nghị này, cho biết do người nông dân tự ý chuyển đổi từ đất trồng trọt sang nuôi tôm (chẳng hạn như chuyển đổi từ đất trồng dừa sang nuôi tôm ở Bến Tre); đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm chưa tương xứng (thiếu ao lắng, xử lý nước trước khi đưa vào phục vụ nuôi tôm)…

Tuy nhiên, theo nhận định chung của nhiều đại biểu, năm 2013, ngành tôm trong cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng cơ bản đạt thắng lợi lớn.

“Một, hai năm trước, dịch bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra trên diện rộng, nhiều hộ nuôi trong cả nước bị thiệt hại nặng, rơi vào cảnh phá sản nhưng năm nay số hộ đạt lợi nhuận cao rất nhiều, thậm chí có hộ nuôi lãi đến vài ba tỉ đồng”, ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết.

Thực tế, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy sản lượng tôm nuôi đã thu hoạch tính đến cuối tháng 10-2013 ở ĐBSCL tiếp tục tăng cao, chẳng hạn, ở Cà Mau đạt 102.000 tấn (bao gồm cả tôm thẻ chân trắng và tôm sú), tăng 7.100 tấn; tại Bạc Liêu đạt 65.189 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn; tại Kiên Giang đạt 32.561 tấn, tăng hơn 4.000 tấn.

Với việc sản xuất tôm trong nước gặt hái được nhiều thành công trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, đều tăng cao, tạo điều kiện giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết xuất khẩu tôm là điểm sáng quan trọng, góp phần đưa hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng khả quan trong 10 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 2,4 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 2,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 300 – 400 triệu đô la Mỹ so với con số dự kiến được đưa ra hồi đầu năm và tăng đến 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, VASEP, cho biết xuất khẩu cá tra và nhiều loại thủy hải sản khác trong những tháng đầu năm nay có chiều hướng sụt giảm mạnh. Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt 1,43 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu cua, ghẹ giảm 12,3%; cá ngừ giảm 4,5%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò...) giảm 4%... so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến cuối tháng 9-2013.

Trung Chánh TBKTSG Online, 09/11/2013