TIN THỦY SẢN

Tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc

Chế biến tôm XK Sơn Trang

Tận dụng những điều kiện thuận lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), tôm Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị trí số 1 tại thị trường này.

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I năm nay, Hàn Quốc là thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng nhất của tôm Việt Nam trong số những thị trường chủ lực.

Nếu như trong tháng 1, XK tôm sang Hàn Quốc có giảm so với cùng kỳ, thì sang tháng 2 và 3 lại tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, trong tháng 1, XK tôm sang thị trường Hàn Quốc giảm 12,2%, nhưng sang tháng 2 tăng tới 72% và tháng 3 tăng 52%. Nhờ vậy, trong quý 1/2017, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 61,8 triệu USD; tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện Hàn Quốc đang đứng thứ 5 trong số những thị trường chủ lực của tôm Việt Nam.

XK tôm sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh, có phần không nhỏ từ Hiệp định VKFTA. Theo Hiệp định này, tôm Việt Nam XK sang Hàn Quốc có mức thuế chỉ 10%. Trong số những nước XK tôm sang Hàn Quốc, Việt Nam cùng với Thái Lan hiện đang được hưởng thuế NK thấp nhất, trong khi thuế với tôm Ấn Độ là 12,5%, Ecuador 20%, Trung Quốc 20%… Với mức thuế như trên, tôm Việt Nam đã có khả năng cạnh tranh cao hơn so với nhiều nguồn cung cấp chủ lực khác.

Không chỉ ở quý I năm nay, mà lợi thế từ Hiệp định VKFTA đã giúp tôm Việt Nam tăng trưởng khá tại thị trường Hàn Quốc trong năm 2016. Nếu như trong 4 tháng đầu năm 2016, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng không ổn định, thì từ tháng 5 đến hết năm, lại luôn đạt mức tăng trưởng tốt so cùng kỳ 2015. Qua đó, giúp cho trong cả năm 2016, XK tôm sang Hàn Quốc tăng 13,6% so năm 2015.

Sự tăng trưởng tốt nói trên đang giúp cho tôm Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí số 1 tại thị trường Hàn Quốc. Đây là vị trí mà Việt Nam đã giữ liên tục từ năm 2014 đến nay sau khi vượt qua Trung Quốc nhờ mức tăng trưởng khả quan đạt được trong giai đoạn 2010 - 2014.

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), năm 2016 giá trị tôm NK của Hàn Quốc đạt 532,3 triệu USD; tăng 4,5% so với năm 2015. Trong đó, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm tới gần 49% tổng NK tôm của nước này. Thị phần của Việt Nam bỏ xa nhưng nước đứng sau như Trung Quốc chiếm 14,8%; Thái Lan 11,8%, Ecuador 9,3%…

2 sản phẩm tôm chủ lực được NK vào Hàn Quốc là tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến không đóng túi kín khí, thì Việt Nam đều chiếm thị phần lớn nhất cả ở 2 sản phẩm này. Việt Nam cũng là nhà cung cấp chủ lực vẫn đang giữ được đà tăng trưởng XK vào thị trường Hàn Quốc, trong khi một số nhà cung cấp khác lại có xu hướng giảm.

Theo VASEP, XK tôm sang Hàn Quốc trong những năm tới vẫn còn nhiều tiềm năng để đạt mức tăng trưởng tốt, bởi đây là thị trường có sức mua ổn định với giá tốt. Hàn Quốc lại là 1 thị trường NK tôm lớn trên thế giới khi đứng thứ 7 về khối lượng tôm NK năm 2016, đứng thứ 12 về giá trị và chiếm 2,4% giá trị NK tôm của toàn thế giới.

Tuy nhiên, các nhà XK tôm Việt Nam vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa về chất lượng, nhất là kiểm dịch và ATTP, bởi đây chính là thách thức lớn nhất khi XK tôm sang Hàn Quốc. Cuối năm 2016, nhằm bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh trong nước, Cục Quản lý Chất lượng thủy sản Quốc gia (NFQS) thuộc Bộ Thủy sản và Hải Dương Hàn Quốc đã thông báo một số điều chỉnh Luật Quản lý Dịch bệnh Thủy sản của nước này. Theo đó, dự kiến kể từ 1/4/2017, tất cả thủy sản nuôi và tự nhiên NK vào Hàn Quốc đều phải có chứng thư NK do cơ quan thẩm quyền nước XK cấp. Tất cả tôm ướp lạnh/đông lạnh (trừ tôm bỏ vỏ, bỏ đầu) sẽ phải kèm theo chứng thư NK do cơ quan thẩm quyền nước XK cấp. Tôm ướp lạnh và đông lạnh là một trong các mặt hàng thủy sản bị chỉ định kiểm dịch.

Tuy nhiên, để các nước XK có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc cấp chứng thư, ngày 6/4 vừa qua, NFQS đã thông báo lùi thời điểm áp dụng những điều chỉnh luật trên và thời điểm áp dụng mới là ngày 1/4/2018. Đây là quãng thời gian cần thiết để các DN tôm Việt Nam cải thiện chất lượng tôm XK sang Hàn Quốc nhằm đáp ứng được những quy định mới của nước này.

Sơn Trang Nông Nghiệp Việt Nam, 13/06/2017