TIN THỦY SẢN

Tôm xoay vòng bất thường: Tìm hiểu và ứng phó

Hiện tượng tôm búng lên mặt nước, xoay vòng tại chỗ rồi chết, rớt đáy thì xử lý ra sao? Ảnh minh họa Nhất Linh

Hiện tượng tôm búng lên mặt nước, xoay vòng tại chỗ rồi chết, rớt đáy thì xử lý ra sao? Có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến hành vi bất thường của tôm như trên nên khó có thể xác định cụ thể. Dưới đây là một số nguyên nhân và hướng xử lý mà bà con có thể tham khảo.

Mắc hội chứng gan tụy

Tôm sau 40 ngày tuổi đột nhiên búng lên, quay vòng vòng trên mặt nước rồi chết không rõ nguyên do. Nhiều bà con đánh giá có lẽ do môi trường ao nuôi kém ổn định, thời tiết thay đổi đột ngột khiến tôm sốc. Nhưng khi kiểm tra các chỉ số môi trường vẫn ở mức ổn định, tảo phát triển bình thường, màu nước đạt chuẩn càng khiến nhiều người hoang mang hơn.

Nếu tôm đã bước vào giai đoạn 40 ngày tuổi, có hiện tượng búng lên rồi chết thì xác định tôm mắc “Hội chứng gan tụy” (trường hợp môi trường ổn định, tôm không chết vì sốc môi trường). Lập tức không cho ăn từ 2 - 3 ngày để giảm áp lực gan. Tăng cường chạy quạt sục khí cho tôm. Sau 3 ngày bỏ đói thì cho ăn lại từ từ, số lượng thức ăn tăng dần lên (lưu ý kiểm tra tôm đã ăn tốt mới bắt đầu tăng lượng thức ăn).

Nhiều bà con nhận định có thể bỏ đói giảm áp lực gan tôm, dần dần tôm sẽ tự khỏi thì trường hợp này chỉ đúng nếu tôm mắc bệnh nhẹ. Nhưng ở mức độ gây tỷ lệ chết cao thì khuyên chân thành bà con nên áp dụng quy trình trị gan tuỵ. Bỏ đói tôm không phải cách hay vì chúng làm tôm mất sức, mất chất dinh dưỡng và rất dễ chết. Thêm nữa tôm không lớn nổi.

Chất độc từ sứa

Ao đang có sứa nước, nhưng do nước đục hay sử dụng hóa chất diệt nên sứa chết tạo ra chất độc. Khi đó, bà con nên tiến hành thay nước ngay. Tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa để loại bỏ các địch hại trong ao. Bón vôi bột nông nghiệp, sau đó bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết trứng, ấu trùng sứa còn sót lại. Lấy nước vào ao chứa qua túi lọc bằng vải dày, may 2 lớp. Để nước ổn định 3 – 7 ngày. Sau đó, chạy quạt nước liên tục 2 – 3 ngày để kích thích trứng sứa cũng như tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng. 


Chất độc do sứa tiết ra sẻ ảnh hưởng đến tôm qua đường mang

Xử lý nước cấp trong ao chứa vào buổi sáng (8 giờ) hoặc buổi chiều (16 giờ) bằng Chlorine nồng độ 20 – 30 ppm (20 – 30 kg/1.000 m3 nước). Ngoài ra có thể sử dụng một số hóa chất diệt tạp được phép lưu hành tại Việt Nam như thuốc tím (KMnO4), BKC…

Do nhiễm virus 

Nếu trường hợp không có sứa, thì chỉ còn 1 nguyên nhân duy nhất đó là tôm bị nhiễm virus IMNV. Bệnh hoại tử cơ là một bệnh truyền nhiễm do tác nhân vi rút gây ra (infectious myonecrosis virus – IMNV). 

Bệnh thường xuất hiện giai đoạn tôm thẻ chân trắng (TTCT) trên 45 ngày tuổi, hiện tượng ban đầu phần cơ đuôi trở nên trắng đục sau đó lan dần khắp cơ thể. Ở mức độ nặng có thể dẫn đến hiện tượng hoại tử và đỏ ở phần cơ này, tôm chết và rớt đáy với tỷ lệ khá cao. Tôm chết do nhiễm IMNV có thể bị cấp tính và mãn tính. Thể cấp tính thường xảy ra do điều kiện môi trường căng thẳng (như chài tôm, biến động môi trường nước…) và có thể gây chết lên đến 70% quần đàn. Thể mãn tính có thể gây chết 40 – 50% và tiếp nối giai đoạn cấp tính. 

Tôm thẻ chân trắng được ghi nhận là vật chủ chính của IMNV do khả năng gây tỉ lệ chết cao ở loài tôm này

Khi tôm bị phát bệnh do virus IMNV gây ra có biểu hiện như: Vỏ tôm sậm màu, vỏ rất mỏng (da thiết) mặc dù kiềm cao và bổ sung khoáng mỗi ngày, tôm nổi đầu rải rác mặc dù oxy không thiếu (10h - 15h). Những con nổi đầu được một lúc thì sẽ có biểu hiện xoay tròn trên mặt nước, sau đó búng giật tê tê (2 - 3 cái) như bị chích điện rồi chìm đáy. Tôm bị nhiễm virus IMNV chủ yếu là do giống (90% do giống, 10% do môi trường).

Có một số biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của IMNV bao gồm kiểm dịch và kiểm soát lây nhiễm, sử dụng tôm giống không có IMNV, bổ sung men vi sinh, khử trùng ấu trùng và trứng tôm, thu hoạch khẩn cấp, tiêu hủy tôm bị nhiễm bệnh, xử lý vật chủ bị bệnh, khử trùng các trang trại bị nhiễm bệnh và kiểm soát véc tơ truyền bệnh. Không áp dụng tiêm phòng, hóa trị liệu hay tăng cường hệ miễn dịch để kiểm soát IMNV. Trường hợp bị nhiễm virus IMNV thì chỉ còn biện pháp thu hoạch sớm để giảm bớt chi phí và rủi ro.

Nhất Linh