TIN THỦY SẢN

Tổng cục Thủy sản nói gì về vụ công văn gây khó ngư dân?

Con tàu của bà Đỗ Thị Tuyết Hà đang đóng dở dang trước lệnh ngưng đóng mới tàu lưới kéo của Bộ NN&PTNT. Phạm Anh (thực hiện)

Chiều 15/12, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) đã lý giải về “công văn lạ” gây khó ngư dân (đăng trên Tiền Phong số 349) . Theo ông, chủ trương tạm dừng phát triển nghề này có từ lâu, chứ không bất thường.

Ông có thể cho biết lý do vì sao Bộ NN&PTNT có chủ trương dừng phát triển nghề lưới kéo?

Nghề lưới kéo ngư dân thường gọi là nghề cào bay, nghề lưới vét, lưới dã. Nghề này hoạt động nguyên lý “lọc nước lấy cá”, dùng lưới quét hết các loại thủy sản, phá hủy sinh cảnh, sinh vật đáy, ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi và môi trường sống các loại thủy sản, nên các nước trong khu vực và trên thế giới đã cấm, như Indonesia, Malaysia...

Trong vùng biển Việt Nam, hiện có khoảng 12.500 trong số hơn 31.000 tàu đánh bắt xa bờ hành nghề lưới kéo trong khi nguồn lợi không cho phép để phát triển nghề này. Hơn nữa,trong các chính sách phát triển khai thác xa bờ, nghề lưới kéo không khuyến khích phát triển.

Vừa rồi, Bộ NN&PTNT có văn bản, chỉ đạo các địa phương, tạm dừng cấp phép với những tàu đóng mới làm nghề lưới kéo và không cấp phép các tàu đang làm nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo. Với chủ trương này, 12.500 tàu đang làm nghề lưới kéo vẫn hoạt động bình thường. Đây là tạm dừng không cho phát triển thêm nghề này. Lâu dài sẽ giảm dần số lượng tàu cá làm nghề lưới kéo, tiến tới cấm hẳn nghề lưới kéo, theo lộ trình nhất định.

Vậy, khi đưa ra chủ trương trên, Bộ có thông báo trước cho các địa phương không, trong khi họ thấy bất ngờ?

Trước khi đưa ra chủ trương tạm dừng phát triển nghề lưới kéo, Bộ NN&PTNT đã phổ biến tại các hội nghị toàn quốc, trong đó, có các tỉnh ven biển. Nhiều tỉnh sau đó đã ban hành quy định cấm phát triển nghề này như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa... Trước đó, Tổng cục Thủy sản đã thống kê toàn bộ số tàu làm nghề lưới kéo, theo các dải công suất và dự lệnh cho các địa phương. Hiện Kiên Giang là địa phương có nhiều tàu làm nghề lưới kéo nhất cả nước, việc tạm dừng cho phép phát triển nghề này đương nhiên có ảnh hưởng nhất định.

Với những trường hợp tàu có tờ khai đóng mới được xã, phường đã xác nhận trước ngày 16/11/2015 (hiệu lực trong công văn của Bộ NN&PTNT), ngư dân có được đóng tàu làm nghề lưới kéo hay không?

Với những tàu có văn bản chấp thuận cho phép đóng mới của Sở NN&PTNT các tỉnh trước ngày 16/11/2015, dù làm nghề lưới kéo hay nghề gì, thì vẫn triển khai bình thường. Còn những tàu đã đóng mà không có văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá của Sở NN&PTNT, dù trước đó đã được UBND xã, phường xác nhận vào tờ khai xin đóng mới, không được đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản làm nghề lưới kéo.

Phạm Anh (thực hiện) Báo Tiền Phong, 16/12/2015