TP HCM: Chú trọng đầu tư phát triển mô hình nuôi lươn
Lươn là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng là địa phương có nhiều người tiêu dùng lựa chọn loại thực phẩm này. Cho nên trong thời gian tới con lươn sẽ là đối tượng nuôi triển vọng được Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư sản xuất.
Nhằm đánh giá thực trạng và tiềm năng nghề nuôi lươn tại TP.HCM hiện nay, từ đó đề ra định hướng phát triển, chuyển dịch cây trồng – vật nuôi chưa hiệu quả sang nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi,… Ngày 18/7 vừa qua Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP gồm: Trung tâm Khuyến nông, Chi Cục thủy sản,… đã tổ chức “Hội nghị giao lưu các đơn vị sản xuất, kinh doanh lươn trên địa bàn TP”. Qua Hội nghị đã có những đề xuất định hướng, giải pháp phát triển nghề nuôi lươn thương phẩm tại TP trong thời gian tới.
Theo đó, Hội nghị đã nêu ra những khó khăn của nông dân trong quá trình chuyển đổi sang nuôi lươn và chia sẻ kinh nghiệm của những hộ nuôi trước đó. Hiện nay các tài liệu tham khảo về khoa học kỹ thuật nuôi lươn như sách báo, cẩm nang, các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi lươn không nhiều, nên người nuôi chưa nắm chắc kỹ thuật nuôi áp dụng vào thực tế; Số lượng và chất lượng con giống hiện nay không ổn định. Theo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP, hiện TP.HCM có 27 hộ nuôi lươn với 778 bể (tương đương tổng diện tích nuôi 9.336 m2), chủ yếu tập trung tại các hộ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Củ Chi (xã Tân Phú Trung, An Nhơn Tây và Tân Thông Hội), Hóc Môn, Bình Chánh và Quận 12. Con giống nuôi của các hộ chủ yếu là giống đánh bắt từ tự nhiên có nguồn gốc từ Campuchia - chiếm 95% tương đương với diện tích nuôi 8.856 m2, phần còn lại rất ít được cung cấp từ các tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang - chiếm 5% tương đương với diện tích nuôi 480 m2). Về nguồn lươn thịt tại thị trường TP đều do chợ đầu mối Bình Điền làm đầu mối cung ứng chủ lực. Trong đó, lươn thịt nhập chủ yếu từ các tỉnh: Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh chiếm 97%; còn khoảng 3% là lươn thịt có nguồn gốc nuôi tại TP (tương đương khoảng 194,5 tấn/năm). Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ nguồn lươn thịt thương phẩm tại TP.HCM chiếm 40% tương đương 2.304 tấn/năm.
Còn đánh giá chung về tình hình nuôi lươn trên địa bàn huyện Củ Chi, ông Tô Minh Tú - đại diện Phòng Kinh tế huyện cho rằng, nghề nuôi lươn hiện nay chưa mang tính ổn dịnh do nguồn cung lươn giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, nên rất khó để phát triển nghề với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của TP và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Ông Phạm Viết Sơn, Hợp tác xã nông nghiệp - công nghệ xanh Bình Minh chia sẻ, vì phát triển mang tính tự phát nên việc tổ chức sản xuất và xây dụng chuỗi sản phẩm an toàn nuôi lươn chưa được đầu tư, dẫn đến việc tiêu thụ còn phụ thuộc vào thương lái, giá cả không ổn định. Hiện nay các hộ nuôi chưa được hướng dẫn quy trình xử lý nước thải phù hợp, chủ yếu thải trực tiếp ra ao tận dụng nuôi cá hoặc trồng cỏ chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường,…
Trước những khó khăn trên, Hội nghị đã thảo luận chia sẻ giải pháp trước mắt cho nghề nuôi lươn là cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi; Khuyến khích tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác để quản lý tốt vùng nuôi; Triển khai tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi theo công nghệ tiên tiến; Tập trung kiểm tra chất lượng con giống, đảm bảo nguồn giống không bị động (bởi hiện giống lươn chủ yếu nhập từ Campuchia). Đặc biệt, cần tổ chức các mô hình Khuyến nông về nuôi lươn không bùn trong bể xi măng và tập huấn hướng dẫn phương pháp nuôi đạt hiệu quả; Kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm lươn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến thực phẩm, cung ứng thịt lươn cho thị trường toàn quốc.
Ông Phạm Lâm Chính Văn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP cho rằng tương lai gần nuôi lươn sẽ trở thành một trong những nghề chủ lực của nông nghiệp TP. Bởi nghề nuôi lươn, người nuôi có thể tận dụng cơ sở vật chất sẵn có như chuồng heo, chuồng bò, diện tích đất trống xung quanh nhà để làm bể nuôi. Đây là mô hình phù hợp để các nông hộ chuyển đổi vật nuôi trong điều kiện các loại gia súc thường xuyên đối mặt với dịch bệnh hoặc thiếu đầu ra ổn định. Để nghề nuôi lươn mang lại hiệu quả cao góp phần nâng cao đời sống nông dân, đảm bảo môi trường an toàn vệ sinh thực phẩm, cần có nguồn lươn giống tốt và nguồn thức ăn công nghiệp phù hợp chuyên cho lươn. Việc xử lý nguồn nước thải nuôi lươn theo hướng tuần hoàn hoặc tái sử dụng sản xuất nông nghiệp,…Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành và các đơn vị nghiên cứu của TP để thực hiện những giải pháp này.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi lươn cũng kiến nghị cơ quan chuyên ngành cần nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lươn không bùn để tập huấn cho nông dân, hướng tới mô hình nuôi lươn sạch và hiệu quả. Vì hiện nay chưa có tài liệu, quy trình nuôi lươn chuẩn, phần lớn người nuôi đều tự mày mò và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Qua đó, cũng định hướng người nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn theo hướng chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào quy trình nuôi và xử lý chất thải, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho nghề nuôi lươn. Góp phần đưa con lươn là đối tượng nuôi triển vọng sẽ được TP.HCM hỗ trợ và đầu tư giúp nông dân chuyển đổi vật nuôi đạt hiệu quả cao.