TP.HCM tìm hướng gia tăng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh
Tại hội thảo “Định hướng phát triển cá cảnh TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức ngày 11-11, lãnh đạo TP.HCM cho rằng, cá cảnh đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và có nhiều tiềm năng phát triển.
Trên địa bàn TP.HCM hiện có gần 300 cơ sở sản xuất cá cảnh và gần 280 cửa hàng kinh doanh cá cảnh. Thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, trong 10 tháng năm 2016, sản xuất cá cảnh trên địa bàn thành phố đạt 87 triệu con, tăng 2,4% cùng kỳ. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong 10 tháng là 12,6 triệu con, tăng 14% so cùng kỳ.
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó mục tiêu cụ thể đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh của thành phố đạt 150 – 180 triệu con, xuất khẩu đạt 40 – 50 triệu con, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 – 50 triệu USD. Cùng với đó, 100% cơ sở xuất khẩu cá cảnh tham gia chương trình giám sát an toàn dịch bệnh cá cảnh của thành phố đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường hiện có và mở rộng sang các thị trường khác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, để đạt được mục tiêu trên, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cá cảnh tham gia một số hội chợ cá cảnh quốc tế ở Singapore, Cộng hòa Liên bang Đức và một số nước khác để học tập rút kinh nghiệm tiến tới tổ chức tại TP.HCM. Đồng thời, thành phố cũng xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ cá cảnh.
Cùng với đó, TP.HCM cũng thực hiện liên kết với các tỉnh có lợi thế về đất, nguồn nước và kinh nghiệm như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp. Các cơ sở cá cảnh tại thành phố tập trung sản xuất con giống chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh và sản xuất một số cá cảnh thương phẩm có giá trị cao.
Tại hội thảo, ông Tống Hữu Châu – Chủ trang trại cá cảnh Châu Tống cho biết, nhu cầu thông tin về cá cảnh hiện nay rất lớn. Người nuôi và thuần dưỡng cá cảnh tại TP. HCM rất cần những thông tin như điều kiện môi trường, chăm sóc nuôi dưỡng. Khi cần nghiên cứu để sinh sản một vài loại cá, người nuôi cũng rất cần những thông tin chính thống có tính cách gợi ý và định hướng trong thuần dưỡng sinh sản. Cùng với đó, các hộ kinh doanh cá cảnh cũng rất cần các thông tin về nhu cầu thị hiếu của thị trường.
Theo đó, ông Châu cho rằng TP.HCM cần xây dựng kênh thông tin chính thống để người nuôi, người kinh doanh có cơ sở để tham khảo về kỹ thuật.
Ngoài ra, ông Châu cũng mong nhận thêm sự hỗ trợ của thành phố về xúc tiến thương mai cũng như sự hổ trợ của các Tham tán thương mại Việt Nam ở các nước nhằm giới thiệu hình ảnh, tiềm lực của cá cảnh Việt Nam với các công ty thế giới. Cùng với đó, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường Đại học chuyên ngành cũng cần chọn lọc, phát triển những giống loài tiêu biểu cho thị trường cá cảnh Việt Nam.
Theo ông Lê Hữu Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức, ngoài thị trường xuất khẩu thì thị trường nội địa cũng có rất nhiều tiềm năng. Do đó, thành phố cần quan tâm đến quy hoạch và phát triển chợ vệ tinh cho nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố, phù hợp và thuận tiện cho việc thưởng ngoạn thú chơi của người dân, bao gồm sinh vật cảnh nói chung...
Theo số liệu của trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Việt Nam hiện có 120 loài cá cảnh nước ngọt. Trong đó có 42 loài cá cảnh sản xuất trong nước, 40 loài cá cảnh nhập ngoại và 38 loài cá cảnh tự nhiên bản địa. Riêng tại TP.HCM hiện có 70 loài cá cảnh đang được bày bán tại các cửa hàng.