Trà Vinh: Sơ kết tình hình nuôi thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2015
Ngày 09/06/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình nuôi thuỷ sản 6 tháng đầu năm và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015. Ông Kim Ngọc Thái - Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã thả tôm nuôi 19,830 ha (đạt 67,4% kế hoạch năm) với số lượng con giống là 14.106,5 triệu con. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 17.480 ha (nuôi thâm canh 1,666 ha, với lượng giống 352 triệu con, nuôi bán thâm canh 599,9 ha, với số lượng con giống 71,3 triệu con. Diện tích nuôi tôm chân trắng là 2.350 ha, đạt 47% kế hoạch năm, với số lượng con giống 1.271,6 triệu con.
Hiện nay, đã thu hoạch 8.620 tấn tôm nuôi (đạt 20,99% kế hoạch năm 2015). Trong đó, tôm sú là 2.950 tấn (tăng 1.085 tấn so với cùng kỳ, đạt 19,77% kế hoạch), tôm chân trắng là 5.670 tấn (giảm 3.260 tấn so với cùng kỳ, đạt 22,24% kế hoạch); Cua biển: có 12.446 hộ thả nuôi trên diện tích 11.000 ha (giảm 3.996 ha so với cùng kỳ, đạt 79,7% so với kế hoạch,) với số lượng giống 69,2 triệu con.
Sản lượng thu hoạch 2.020 tấn (giảm 501 tấn so với cùng kỳ, đạt 20,2% kế hoạch); Nghêu: có 4 HTX thả nuôi trên diện tích 25 ha với số lượng giống 169 tấn nghêu giống. Sản lượng thu hoạch 157 tấn (giảm 341 tấn so với cùng kỳ); Cá tra: có 02 hộ thả nuôi trên diện tích 0,12 ha với số lượng giống 14.000 con ở huyện Tiểu Cần. Sản lượng thu hoạch 1.050 tấn (giảm 3.439 tấn so với cùng kỳ, đạt 6,77% kế hoạch); Cá lóc: có 824 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 115 ha (giảm 60 ha so với cùng kỳ, đạt 39,6% so với kế hoạch) với số lượng con giống là 48,2 triệu con. Sản lượng thu hoạch 13.942 tấn (giảm 1.143 tấn so với cùng kỳ, đạt 47,26% kế hoạch).
Trong 6 tháng đầu năm 2015, 3.966 hộ thả nuôi tôm sú bị thiệt hại trên diện tích 3.089 ha (chiếm 17,7% diện tích thả nuôi, tăng 787 ha so với cùng kỳ), số lượng con giống 305,4 triệu con. 1.362 hộ thả nuôi tôm chân trắng bị thiệt hại trên diện tích 605,2 ha (chiếm 25,8% diện tích thả nuôi, giảm 167 ha so với cùng kỳ), số lượng con giống 325,7 triệu con. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản, nâng giá trị sản lượng thuỷ sản trong 6 tháng cuối năm 2015. Nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường công tác hỗ trợ kỷ thuật, kiểm soát dịch bệnh và kiểm tra tốt nguồn giống sạch bệnh cho người dân an tâm canh tác.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kim Ngọc Thái đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2015 lĩnh vực nuôi thuỷ sản đã đạt một số chỉ tiêu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo trong 6 tháng còn lại cần tập trung một số giải pháp trong tâm:
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thủy lợi vào giai đoạn ngưng thả giống giữa 2 vụ nuôi sớm đưa vào sử dụng tránh gây ảnh hưởng đến nuôi tôm; Đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong vùng qui hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung; Rà soát lại các vùng nuôi chuyên canh tập trung trên địa bàn tỉnh, đầu tư cơ sở hạ tầng tiến tới qui hoạch một số vùng nuôi theo Quy chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) trên các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh; Tăng cường nâng cao chất lượng các lớp tập huấn theo nhóm, tập huấn bằng phương pháp trực quan. Thông tin cho người nuôi nắm được những thuận lợi, khó khăn và tình hình dịch bệnh; Thực hiện tốt quan trắc, cảnh báo môi trường và thu mẫu giáp xác tại các cửa sông đầu nguồn vùng nuôi tôm trọng điểm; mẫu tôm, nghêu, nước trong ao nuôi... phân tích các chỉ tiêu thủy lý, hóa, sinh và mầm bệnh. Kết quả được thông báo trên Đài Phát thanh – Truyền hình vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần;
Tiếp tục duy trì lực lượng cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn tại địa phương để phối hợp với các viên chức về xã tư vấn cho các hộ dân, theo dõi tình hình dịch bệnh; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bạc Liêu trong quản lý giống; thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình chất lượng giống, nhu cầu con giống,... Đẩy mạnh công tác xã hội hóa sản xuất giống, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng con giống của tỉnh; Phối hợp với Công an tỉnh và địa phương kiểm tra việc chấp hành qui định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản./.