TIN THỦY SẢN

Trai sông nhả ngọc

Anh Tuân thực hiện quy trình cấy ghép nhân và tế bào vào con trai. Ảnh: Mai Chiến. Mai Chiến

Sau những thất bại liên tiếp, anh Tuân không ngừng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào mô hình. Nhờ đó mà đã có được thành quả như ngày hôm nay.

Anh Trần Văn Tuân (SN 1982 ở xã Yên Nhân, huyện Ý Yên) là người đầu tiên của tỉnh Nam Định thành công với mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản ở địa phương.

Anh Tuân nhớ lại, trước đây anh nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên 3 năm liền đều thất bại. Sau đó, chuyển sang chăn nuôi lợn, khoảng 500 con/lứa, do giá cả bấp bênh nên thua lỗ.

Cuối năm 2016, anh biết đến mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) nên đã chủ động sang tham quan, tìm hiểu về mô hình này.  Sau 3 tháng học hỏi kinh nghiệm, anh trở về quê, huy động vốn, cải tạo chuồng nuôi lợn thành bể nuôi, nạo vét ao sạch sẽ.

Thời gian đầu, anh thả 1 vạn con trai đã cấy nhân và tế bào xuống ao nuôi. Thế nhưng, qua 2 năm chăm sóc, đến lúc thu hoạch, tỉ lệ trai đậu ngọc chỉ đạt khoảng 40%.

“Do tay nghề còn yếu kém, chưa nắm hết được quy trình sinh lý của con trai, nên lứa đầu tiên 1 vạn trai tôi chỉ thu hoạch được 3.000 viên ngọc, nhiều con trai mổ ra không đậu viên ngọc nào”, anh Tuân giãi bày.


Mỗi ngày, vợ chồng anh cấy ghép được khoảng 200 con trai. Ảnh: Mai Chiến.

Thất bại lứa đầu tiên không làm anh nản lòng, anh Tuân lên mạng tìm hiểu thêm tài liệu về kỹ thuật cấy ghép và quy trình chăm sóc trai sông. Dần dần, mô hình nuôi trai lấy ngọc của anh cũng thành công với tỉ lệ trai đậu ngọc ở mức cao.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực ao nuôi, anh Tuân cho hay, mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc rất phù hợp với khí hậu, nguồn nước ở Nam Định; nhất là thời tiết khi bắt đầu chuyển sang mùa thu. Bởi, con trai chịu lạnh khá tốt.

Với diện tích 1,5ha mặt nước, anh đang nuôi thả khoảng 2 vạn con trai, theo hình thức gối vụ, nuôi ở dạng treo phao và thả đáy. Cả hai dạng nuôi này đều có ưu, nhược điểm.

“So với nuôi cá, tôm thì nuôi trai lấy ngọc rủi ro thấp hơn, mang lại giá trị kinh tế cao, ngoài sản phẩm chính là ngọc thì vỏ trai còn được các thương lái thu mua bán cho các cơ sở chế tác đồ thủ công mỹ nghệ. Thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, nhờ đó có thêm thu nhập”, anh Tuân thổ lộ.

Chia sẻ về quy trình cấy ghép nhân và tế bào, anh Tuân bảo, trước tiên phải chọn con trai đang ở độ tuổi thứ 2 (nặng khoảng 300g/con), không bị dị tật, dáng hình cân đối, phát triển bình thường.

Nhân ngọc được làm từ vỏ con trai cóc, dạng hình tròn, màu trắng; nó được ví như một chiếc khuôn để tế bào phát triển, tạo ra một lớp xà cừ ôm trọn toàn bộ hạt nhân.

Dải tế bào được cắt ở con trai non, khoảng 3 tháng tuổi, không có vấn đề về bệnh, màu sắc đẹp. Khi cắt khỏi cơ thể vật chủ, chúng được đưa ra ngoài để cắt thành những tế bào nhỏ có dạng hình vuông (1,5mm/tế bào).

Sau đó, tế bào nhỏ được người thợ bôi 1 loại dung dịch màu đỏ với 2 mục đích. Một là, sát khuẩn, giúp vết thương nhanh lành lại. Hai là, giúp người thợ nhìn rõ tế bào khi đưa vào túi dựng nhân.


Bôi dung dịch màu đỏ lên tế bào. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Tuân nói thêm, quy trình cấy ghép nhân và tế bào rất quan trọng, quyết định 70% thành công của mô hình. Do đó, kĩ thuật này đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ và sạch sẽ.

Theo đó, tạo 1 túi nhỏ ở màng áo ngoài con trai. Dùng móc nhân đưa tế bào, hạt nhân vào túi. Trong quá trình cấy ghép, không được làm bục túi, làm vết rách quá lớn. Vì, hạt nhân dễ trôi ra khỏi con trai. Trung bình, 1 con trai sẽ cấy được 2 - 4 hạt nhân.

“Sau khi cấy ghép xong, đưa trai vào bể nuôi dưỡng. Khoảng 1 tuần vết thương ổn định lại thì đưa xuống ao nuôi. Mọi thao tác phải thực hiện nhẹ nhàng. Thời gian nuôi thả trai cấy ngọc khoảng 2 năm. Tuy nhiên, nuôi càng lâu thì ngọc càng đẹp, giá trị bán ra thị trường càng cao”, anh Tuân cho hay.

Theo tính toán của anh Tuân, mỗi năm anh thu hoạch gần 14.000 viên ngọc. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội và Hồ Chí Minh, với giá bán từ 150 - 200 nghìn đồng/viên. Sau khi trừ tất cả chi phí, 1ha thu lãi 600 triệu đồng/năm.

Mai Chiến Nông nghiệp Việt Nam