TIN THỦY SẢN

Trang trại 3T của "3 chàng lính ngự lâm"

Vất vả nhưng niềm vui của 3 chàng kỹ sư trẻ là mang những sản phẩm sạch đến cho người tiêu dùng. Ảnh:  L.S Lê San

Ba kỹ sư trẻ, một người thậm chí đang ở tận nước Úc xa xôi, với trăn trở để gia đình và xã hội có được những bữa ăn ngon, sạch với giá cả hợp lý đã cùng nhau lập trang trại nuôi tôm, cá sạch mang tên 3T – là phương châm sản xuất của nhóm: Thật – Tươi – Tiện.

Bỏ phố về quê…chịu khổ

Trang trại 3T của 3 kỹ sư trẻ Nguyễn Đức Thọ, Phan Doãn Thắng, Nguyễn Trung Thành ở xã Xuân Hoà, huyện Xuân Trường (Nam Định) ra đời tháng 10.2015. 3 người cùng tham gia, mỗi người đảm nhiệm một vai trò từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nguyễn Đức Thọ bỏ hẳn công việc ở một doanh nghiệp dầu khí để về lo cho trang trại; Phan Doãn Thắng thôi là kỹ sư nhiệt điện Thái Bình, còn Nguyễn Trung Thành là nghiên cứu sinh tại một trường ĐH của Úc lo đầu tiêu thụ.

Từ ngày bỏ áo cổ cồn về làm nông dân, Nguyễn Đức Thọ gầy và đen hẳn đi. Có nhà cửa ở Hà Nội, công việc thu nhập cao nhưng Thọ bỏ hết về quê ở trong căn nhà tạm để nuôi cá, tôm sạch. Thọ còn kéo theo vợ đang làm kế toán về quê “chịu khổ” cùng mình. 2 vợ chồng không khác những nông dân thực thụ, mỗi ngày chỉ ngủ 3 – 4 tiếng, sáng, tối túc trực theo từng nhịp thở của tôm, cá.

“Những ngày đầu vợ chồng tôi mới bỏ việc về quê, từ gia đình tới họ hàng ai cũng phản đối. Bố mẹ bảo, ngày xưa bố mẹ vất vả nuôi cho ăn học để khỏi phải vất vả như các cụ. Giờ tự dưng lại đùng đùng về quê. Áp lực lớn lắm nhưng mình quyết tâm phải làm cho được, ai nói gì cũng chỉ tham khảo thôi, chứ không thể lung lay được ý chí của mình” – Thọ chia sẻ.

Động lực để Thọ từ bỏ cuộc sống ổn định về quê chính là những tháng ngày chứng kiến người bố thân yêu của mình ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư. Thọ quyết chí về quê làm trang trại sạch, để gia đình mình và cả xã hội cùng được sử dụng những thực phẩm sạch.

Sau khi khảo sát, “3 chàng ngự lâm” quyết định đầu tư trang trại nuôi cá, tôm sạch. Theo Nguyễn Đức Thọ, cả 3 đều là “tay ngang” nên không biết nhiều về các kỹ thuật chăn nuôi. “Quyết định đầu tư thuỷ sản, bọn mình lên mạng và tìm được công trình nghiên cứu về nuôi cá trắm đen bằng thức ăn là con dắt biển. Nhưng, công trình này chỉ có tên tác giả, không có thông tin gì để kết nối. Về sau dò hỏi qua bạn bè, mới biết đó là công trình của kỹ sư Vũ Thị Bích Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản - Sở NNPTNT tỉnh Nam Định. Qua tìm hiểu, bọn mình biết chị Ân là một chuyên gia về thủy sản, có 15 năm kinh nghiệm nhờ lăn lộn với đầm ao, cũng là người có nhiều sáng kiến, giải pháp nuôi trồng hiệu quả. Vì vậy, bọn mình đã mời chị Ân đóng góp về mặt kỹ thuật và chung vốn để làm trang trại” – Thọ chia sẻ.

Chăm cá, tôm như chăm “con mọn”

Hơn 1 năm làm trang trại là hơn 365 ngày 3 chàng kỹ sư trẻ phải trải qua những thăng trầm, mà theo các anh nói, có khi còn nhiều hơn mấy năm làm việc. Mong muốn tạo ra một môi trường sinh thái bền vững và xây dựng chuỗi thức ăn hữu cơ, họ lần lượt thử nghiệm nuôi cá, tôm kết hợp trồng chuối, cỏ voi, nuôi bò, nuôi giun quế làm thức ăn cho tôm, cá. Nhưng lần lượt, chuối trồng mãi không phát triển được do chất đất chua, mặn không phù hợp; nuôi bò, bò lăn xuống ao chết; nuôi giun cũng không thành công. Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng họ cũng tìm ra được mô hình hiệu quả hơn: Cá trắm đen là con chủ lực, nuôi ghép các loại khác như cá rô phi, chép, tôm để hỗ trợ cân bằng môi trường, dọn dẹp đáy ao, hạn chế các loại tảo độc.


Những ngày biển động, không có nguồn dắt biển, thức ăn chính của tôm, cá là đậu tương được nấu chín.

Với mô hình nuôi tôm cá sạch, việc tìm kiếm các nguồn thức ăn tự nhiên cho 17ha ao nuôi rất khó khăn. Thức ăn chủ yếu cho tôm, cá trắm đen là mối và dắt biển. Những ngày biển động, thuyền không ra khơi được, không có nguồn dắt biển, Thọ lại luộc đậu tương hạt rải cho cá ăn. Đồng thời, do mô hình không sử dụng các hóa chất, thuốc kháng sinh cấm nên việc phòng tránh bệnh cho tôm, cá phải theo quy trình xử lý vi sinh nghiêm ngặt trên nguyên tắc quản lý thật tốt thức ăn thừa, vi tảo và định kỳ xử lý môi trường nước ao nuôi.

Từ 1 người không biết gì về nông nghiệp, Thọ đã trở thành “chuyên gia” lúc nào không hay. Từ khí tượng, thuỷ văn cho tới thổ nhưỡng, môi trường nước, vi sinh vật và điện, cơ khí thứ gì anh cũng học để ứng dụng cho mô hình. Chị Ân cũng tâm huyết không kém, cứ đều đặn 3 buổi/tuần chị từ TP.Nam Định về trang trại hỗ trợ kỹ thuật để khắc phục các vấn đề phát sinh và nâng cao hiệu quả mô hình.

Chăm chút con cá, con tôm kỹ càng như vậy nhưng rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thọ vẫn còn nhớ đợt mất trắng hơn 3 tấn cá trắm đen nuôi đã được gần 1kg/con, thiệt hại hơn 250 triệu đồng. “Vùng đất mình làm ao là đất chua phèn, thời tiết đó lại oi nực nên khí áp bị giảm đột ngột, cá thiếu oxy, chết hàng loạt. Mình làm đủ cách nhưng không làm thế nào cứu được. Đành nhìn cá chết” – Thọ bộc bạch.

Nuôi cá trắm đen đã vất vả vậy nhưng cũng chưa là gì so với tôm. Thọ bảo, chăm con tôm còn vất vả hơn chăm con mọn. Chỉ cần một chút thay đổi thời tiết, con tôm đã “húng hắng” theo. Những hôm trở trời, vợ chồng Thọ phải thức đến 2 – 3 giờ sáng để trông. “Có hôm 2 giờ sáng đi kiểm tra ao thấy tôm nổi lên mặt nước. Mình biết là có chuyện, vội vào nhà gọi vợ. Hoá ra máy sục bị hỏng, hai vợ chồng đầm mình xuống ao vừa cứu tôm vừa thay máy sục khác. Lục tục mãi đến sáng mới cấp cứu xong. Mệt nhưng mừng vì chưa quá muộn” – Thọ chia sẻ.


Thủy sản từ trang trại 3T luôn đảm bảo tươi ngon “giãy đành đạch”.

Đầu tư nhiều vào sản xuất, làm ra sản phẩm khó khăn nhưng 3 chàng trai trẻ luôn tâm niệm làm sao hạ giá thành để ai cũng có thể sử dụng sản phẩm sạch. Nguyễn Trung Thành phụ trách khâu thị trường cũng băn khoăn rất nhiều trước đầu ra, giá thành sản phẩm. Thành cho hay: “Ở Úc, Nhật hay Mỹ, người dân được tiếp cận những sản phẩm nông sản, thực phẩm rẻ và chất lượng. Ví dụ như cam Navel không hạt, siêu ngọt ở Úc, giá chỉ khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg, vào chính vụ thậm chí chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg, so với GDP bình quân đầu người khoảng 51.000 USD. Thế mới thấy người dân Úc đang sướng thế nào”.

"Chỉ có tham gia vào sản xuất trực tiếp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức liên hợp các cơ sở sản xuất đơn lẻ lại thì năng suất, chất lượng mới được kiểm soát và thúc đẩy đi lên. Khi đã có hệ thống liên kết chặt chẽ, sản phẩm sẽ có giá thành hợp lý. Điều căn bản là quá trình sản xuất và tiêu thụ phải liên tục, thống nhất để làm giảm các khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm…”.

Phan Doãn Thắng – đồng chủ trang trại 3T

Lê San Báo Dân Việt