TIN THỦY SẢN

Tranh quyền

Hiệp hội đại diện cho người nuôi và hiệp hội đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp đang tranh giành quyền “sinh sát” về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.Ảnh: T.L Ngọc Hùng

Hiện cơ quan quản lý đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra gồm năm chương và dài đến 4.000 chữ. Dự  thảo này gần như trao mọi quyền hành cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius). Vì thế, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang cố gắng vận động doanh nghiệp hội viên tạo áp lực để tránh tình trạng bị ra rìa. Tuy nhiên, trao quyền cho hiệp hội nào cũng không ổn.

Dự thảo nghị định nói trên, trước đây có tên là Nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra. Theo điều 7 của dự thảo, tất cả doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với VN Pangasius.

Chưa dừng lại ở đó, dự thảo nghị định còn đưa thêm điều khoản ràng buộc là hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng xuất khẩu cá tra đã được VN Pangasius xác nhận.

Theo phân tích của doanh nghiệp, với điều khoản này (nếu dự thảo được thông qua), VN Pangasius đã được trao thẩm quyền quá lớn. Cụ thể là, qua việc đăng ký và xác nhận nói trên, VN Pangasius sẽ nắm được giá xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp và từ đó sẽ suy ra được giá mua cá tra nguyên liệu. Trong trường hợp doanh nghiệp mua với giá quá thấp, VN Pangasius sẽ tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải mua giá cao cho người nuôi cá. Tóm lại, doanh nghiệp có thể ngầm hiểu rằng VN Pangasius sẽ là nơi “ấn định” giá sàn cá tra nguyên liệu buộc doanh nghiệp phải tuân theo nếu muốn được xuất khẩu.

Hai năm trước, cụm từ giá sàn cá tra nguyên liệu và giá sàn cá tra xuất khẩu đã là tâm điểm của cuộc tranh luận giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp.

Lúc đó, cơ quan quản lý muốn áp đặt giá sàn cá tra nguyên liệu để đảm bảo cho người nuôi không bị ép giá và phải có lãi khi bán cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cho rằng họ đã tự đầu tư vùng nuôi cá, chủ động nguồn thức ăn nên giá thành sản xuất luôn thấp hơn những hộ nuôi cá riêng lẻ. Do đó, việc quy định giá sàn xuất khẩu cá tra là không cần thiết vì hại nhiều hơn lợi.

Về mặt pháp luật, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc quy định giá sàn cá tra xuất khẩu hay cá tra nguyên liệu sẽ vi phạm Luật Giá 2012. Mặt khác, giá sàn là phạm trù của thị trường, Nhà nước không nên điều tiết vì sẽ không khả thi.

Do đó, trong lần lấy ý kiến này, cụm từ giá sàn tuy không còn xuất hiện trong dự thảo nhưng thay vào đó, điều 8 của dự thảo lại yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bản sao hợp đồng mua cá tra nguyên liệu cung cấp cho VN Pangasius.

Qua đó, VN Pangasius có quyền từ chối không xác nhận cho doanh nghiệp nếu giá mua cá tra nguyên liệu quá thấp, và hải quan sẽ từ chối không cho thông quan.

Như vậy, doanh nghiệp có thể vẫn bị vướng giá sàn cá tra nguyên liệu dù trên văn bản không có quy định này.

Mặc dù dự thảo nghị định bàn về việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, nhưng vai trò của VASEP không được đề cập đến trong dự thảo, nên việc phản ứng của hiệp hội này cũng là điều dễ hiểu.

VASEP gợi ý cho các doanh nghiệp hội viên cùng kiến nghị, qua đó, tạo áp lực để cơ quan soạn thảo phải đưa VASEP là hiệp hội ngành hàng có quyền quyết định trong những vấn đề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thay vì VN Pangasius.

Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch VN Pangasius, nói việc VN Pangasius được giao quyền trong việc cấp phép cho doanh nghiệp được xuất khẩu cá tra mới chỉ là dự thảo. Ông Thắng từ chối bình luận thêm những vấn đề có liên quan.

Hiện chưa biết kiến nghị của doanh nghiệp hội viên VASEP được cơ quan soạn thảo là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận theo hướng nào.

Nhưng việc trao quyền “sinh sát” như trong dự thảo đã nêu, cho VN Pangasius - nơi đại diện cho người nuôi cá, hay cho VASEP - nơi đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đều không hợp lý. Bởi hiệp hội không phải là cánh tay nối dài của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngọc Hùng TBKTSG Online, 30/04/2014