TIN THỦY SẢN

“Trị” ngành cá tra phải bắt đầu từ cơ cấu lại tài chính

Phó chủ tịch Vasep ông Dương Ngọc Minh Đặng Hoàng

Ba đối tượng chính trong chuỗi giá trị gồm doanh nghiệp thức ăn, chế biến, xuất khẩu và nuôi trồng vẫn sẽ không có sự hợp tác, xung đột lợi ích vẫn tiếp diễn. Giá cá tra xuất khẩu cho dù có tăng nhưng không đủ kích thích nuôi trồng phát triển.

Bức tranh ngành cá tra năm 2014 dự báo sẽ xấu hơn.

Ba đối tượng chính trong chuỗi giá trị gồm doanh nghiệp thức ăn, chế biến, xuất khẩu và nuôi trồng vẫn sẽ không có sự hợp tác, xung đột lợi ích vẫn tiếp diễn. Giá cá tra xuất khẩu cho dù có tăng nhưng không đủ kích thích nuôi trồng phát triển.

Do đó, theo đánh giá của Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cuộc chơi trong năm 2014 của ngành này sẽ rõ ràng hơn rất nhiều, nguyên liệu bị co hẹp, người tham gia ít đi…

Để giải quyết dứt điểm những khúc mắc nội tại của ngành, ông Minh cho rằng điểm mấu chốt là phải cơ cấu lại cho được tình hình tài chính. Bởi cho đến thời điểm này, tình hình công nợ của ngành cá tra vẫn đang bị dắt dây nhau. Người nuôi trồng thì nợ tiền thức ăn, con giống của đại lý, doanh nghiệp, “ông” thức ăn nợ ngân hàng, còn “ông” chế biến cá thì nợ người nuôi. Đây thực sự là vòng luẩn quẩn, khó gỡ nếu như không có sự ra tay của ngân hàng. Bởi hơn ai hết, ngân hàng là người cho vay hiểu biết tận gốc rễ “sức khỏe” của từng đối tượng trong chuỗi, từ đó mới có thể đứng ra giải quyết được. Do đó, tái cơ cấu ngành cá tra, theo ông Minh, phải bắt đầu từ tái cấu trúc tài chính của từng khâu chứ không có cách gì có thể giải quyết được.

Ngoài vấn đề tài chính, đã từng có nhiều ý kiến tại các hội nghị, hội thảo đề cập đến giải pháp liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung cấp thức ăn, người nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Năm 2013, xuất khẩu cá tra đạt 1,7 tỷ USD, mặc dù chỉ giảm trên 2% giá trị so với 2012 nhưng thực tế thì doanh nghiệp, người nuôi đều không có lợi nhuận cao như kỳ vọng. Trong năm, tình hình nguyên liệu giảm sút nghiêm trọng. Mặc dù giá cá xuất khẩu không đến nỗi nào nhưng cũng không thể kéo giá nguyên liệu trong nước lên được, do tình hình tài chính của doanh nghiệp quá bi đát.

Nếu như năm 2012, do người dân bỏ nuôi nên doanh nghiệp phải tự đứng ra đầu tư trên 50%, đến năm 2013 thì tỷ lệ này tăng lên 60%. Cán cân nuôi trồng đang nghiêng về doanh nghiệp, bởi khi đầu tư vào nuôi trồng thì doanh nghiệp được chiết khấu 5% thuế VAT đầu vào thức ăn. Hơn nữa, số ít doanh nghiệp có tiền mặt đầu tư nuôi cá họ có được lựa chọn con giống, thức ăn tốt hơn. Tôi chưa nói đến việc thức ăn của doanh nghiệp nào tốt hay xấu, nhưng thực tế là nếu đơn vị nào làm ra chất lượng tốt thì thường họ không bán chịu. Còn nhà máy nào bán chịu thì họ phải tính hết rủi ro giá bán, chất lượng vào đó.

Như vậy thì chỉ có doanh nghiệp có tiền mới có thuận lợi tiếp cận con giống, chất lượng thức ăn tốt, giá thành nuôi cá của họ cũng thấp hơn. Còn người dân, vừa phải chịu thuế VAT, vừa bị tính lãi suất trả chậm giống, thức ăn mà còn không được lựa chọn loại tốt nhất nên giá thành nuôi cao hơn. Do đó, trong trường hợp doanh nghiệp có thiếu cá nguyên liệu, phải ra ngoài mua thì họ cũng không thể mua ở mức quá cao so với giá thành mà họ bỏ vốn ra tự nuôi.

Nói tóm lại, trong tình hình hiện nay thì không có hợp đồng nào có giá trị bằng sức khỏe tài chính hết. Nếu nông dân có tiền, nuôi ra giá thành thấp hơn doanh nghiệp thì nông dân mới có lời. Tôi thấy có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân rất rõ ràng, mua giá cao, nợ một tháng, sau một tháng mà không trả thì tính lãi vay. Hợp đồng này không có ý nghĩa, vì ngay cả ngân hàng khi vay cũng phải thế chấp tài sản mới lấy được tiền, đàng này doanh nghiệp lấy cá của dân không cần tài sản thế chấp mà chỉ cần trả lãi vay thì rủi ro vẫn rất lớn. Liên danh, liên kết trong trường hợp này sẽ không có giá trị.

Vậy theo ông, ngành cá tra cần có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn đang gặp phải hiện nay?

Như tôi đã nói, chỉ có ngân hàng là chủ nợ hiểu ngọn nguồn “sức khỏe” nội tại của từng nhóm đối tượng mới có thể giải quyết được. Năm 2013, theo thống kê thì sản lượng giống cung cấp giảm 30-40%, điều này cho thấy năm 2014 lại sẽ xảy ra thiếu cá. Thời điểm hiện tại, lượng cá vượt size không còn, mặc dù các nhà máy đang sản xuất giảm công suất, có nhà máy trong một tuần chỉ làm hai ba ngày, còn nhà máy nào làm đều thì năng suất giảm 30-70%. Nhiều diện tích ao hồ trước đây nuôi cá tra thì nay cũng được người dân chuyển sang nuôi cá lóc, cá rô.

Tâm lý của người nông dân đang thể hiện nhiều bi quan. Người không còn tiền thì dứt khoát không nuôi, còn có tiền thì cũng đang chần chừ, vì họ sợ nuôi ra bán cho ai bởi doanh nghiệp “khỏe mạnh” thì họ tự nuôi lấy nguyên liệu, khi nào cần mới ra ngoài mua nhưng giá cả không thể quá cao so với giá thành của họ. Doanh nghiệp “ốm yếu” thì lúc nào cũng cần mua cá, thậm chí là mua giá cao nhưng không biết bao giờ mới thanh toán.

Nói như vậy để thấy, việc bàn đến giải pháp nào đi nữa thì chung quy lại vẫn là phải có tiền. Doanh nghiệp có tiền mới trả tiền liền cho dân. Dân có tiền mới tái đầu tư nuôi cá. Trong khi dòng tiền để đáp ứng nuôi trồng rất lớn vì nếu chúng ta nuôi đủ nhu cầu thị trường thì phải cần ít nhất 1,2 triệu tấn nguyên liệu, nuôi trong vòng 12 tháng. Giá thành nuôi 20 ngàn đồng/kg cũng cần có 24 ngàn tỷ đồng, trong đó tính riêng vốn dành cho luân chuyển quay vòng ít nhất phải mất 30%, tương đương gần 10 ngàn tỷ. Tuy nhiên, về góc độ ngân hàng hiện nay họ rất ngại cho vay vì mức độ rủi ro của con cá tra lớn. Trừ một số tối thiểu đảm bảo uy tín thì ngân hàng mới đầu tư, còn đại trà thì rất khó tiếp cận.

Nói như vậy có nghĩa là, trong năm 2014 ngành cá tra vẫn không thể tự mình thoát ra khỏi khủng hoảng, thưa ông?

Đúng như vậy, tôi cho rằng sẽ không có sự bứt phá nào đáng kể. Hiện nay, trong chuỗi giá trị của ngành thì ở khâu nào cũng đang có sự dư thừa. Nhà máy thức ăn dư thừa; công suất chế biến vượt 2,5 triệu tấn cá/năm, trong khi nhu cầu cần 1 triệu; vùng nuôi liên tục mở rộng, dẫn đến năng suất có thể đạt 2 triệu tấn là bình thường. Cung thừa cho thấy vốn cố định đầu tư vào ngành đã quá lớn, điều này làm đội giá thành. Do đó, trong năm 2014, giá xuất khẩu có thể cao do mất cân đối cung cầu nguyên liệu, nhưng sẽ không thể giúp nguyên liệu tăng cao. Nguyên liệu tiếp tục bị thiếu, các đối tượng trong chuỗi từ người nuôi trồng đến doanh nghiệp cung ứng thức ăn, chế biến xuất khẩu sẽ co hẹp dần…

Nhiều năm qua chúng ta chỉ quan tâm đến mỗi giải pháp xuất khẩu để giải quyết đầu ra hơn một triệu tấn cá tra nguyên liệu mà không màng đến thị trường hơn 90 triệu dân trong nước. Điều này có quá lãng phí và sai lầm trong chiến lược phát triển không thưa ông?

Đúng là trong hoạch định chiến lược tuy ngành cá tra có những bước phát triển nhưng thiếu định hướng. Một thời gian dài, chúng ta bỏ qua thị trường tiêu thụ hết sức rộng lớn, không có bất kỳ chiến lược quảng bá nào để tiếp cận. Trong khi chất lượng cá tra vẫn tốt hơn tất cả các loài cá nước ngọt khác, vì nó được nuôi có quản lý, có kiểm soát chất lượng kháng sinh nhưng giá bán lại chưa được phân nữa so với các loài cá khác. Chúng ta chưa tìm cách chứng minh, giới thiệu cho người tiêu dùng trong nước hiểu hết giá trị con cá tra. Ngay cả nội dung trong sách giáo khoa nhà trường thì các bài học phổ thông cũng chỉ có đề cập đến cá lóc, cá trê, cá chép, cá trắm, cá mè… chứ không có cá tra.

Rõ ràng, sắp tới đây tôi nghĩ Vasep cần phải chú trọng hơn nữa đến khâu quảng cáo, phải tập trung tiếp thị cho người tiêu dùng nội địa hiểu hơn nữa về con cá tra. Nếu làm tốt thì không cần phải đông lạnh, chỉ cần có kế hoạch vận chuyển đúng kỹ thuật thì chúng ta có thể đưa cá tra sống ra tận miền Trung, miền Bắc tiêu thụ được.

Đặng Hoàng Trí Thức Trẻ, 30/12/2013