TIN THỦY SẢN

Triển vọng cá trê vàng trên ruộng lúa

Cá trê vàng hiện nay rất được ưa chuộng, được bày bán với giá 120.000 đồng/kg. Thanh Duy

Do có giá trị kinh tế cao nên ngoài những loại cá truyền thống được thả nuôi trên cánh đồng vào mùa nước nổi như: cá chép, mè Vinh, rô phi..., nông dân Phụng Hiệp (Hậu Giang) còn phát triển mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa.

Là vùng trũng nên mỗi năm xã Phương Bình chỉ làm được 2 vụ lúa. Vụ thứ 3, cũng như nhiều nông dân khác, anh Huỳnh Văn Sơn phải chuyển sang nuôi cá ruộng để kiếm thêm thu nhập. Nếu như những năm trước, với trên 3ha lúa vụ 3 không thể sản xuất, anh Sơn thả nuôi cá chép, mè Vinh, mè trắng, mè hoa, rô phi..., năng suất khá cao nhưng giá bán thấp nên hiệu quả kinh tế thu được không đáng kể.

Sau khi đi tham quan mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng, anh Sơn về làm thử. Năm rồi trên diện tích đất ruộng của gia đình, anh thả thử 20kg cá trê giống cùng với 30kg cá trắng. Sau 6 tháng thả nuôi, cá trê cho thu nhập trên 20 triệu đồng, cao hơn các loại cá khác. Thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, vụ này anh tiếp tục thả gần 50kg cá trê giống, hiện cá đạt trọng lượng khoảng 150g/con, hứa hẹn một vụ bội thu.

Anh Sơn cho biết: “Cá trê vàng nuôi trên ruộng không cần đầu tư nhiều, chỉ tốn tiền cá giống ban đầu; thức ăn của cá chủ yếu là rong, rêu trên đồng. Chỉ cần bảo quản thật tốt, không để cá thất thoát ra bên ngoài thì tới kỳ thu hoạch sẽ cho hiệu quả cao”.

Theo anh Sơn, cá trê vàng nuôi trên ruộng là mô hình dễ thực hiện, nhưng để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi người nuôi phải có đê bao kiên cố không bị ngập khi lũ về. Bên cạnh đó, cần một ao mương đủ sâu để cá trú ngụ vì cá trê vàng thường kiếm ăn vào ban đêm hoặc sáng sớm, không thể chịu được nhiệt độ mặt nước nóng lên. Nếu không đảm bảo được tiêu chí này, dễ bị thất thoát cá.

Theo thống kê, diện tích nuôi cá ruộng của Phụng Hiệp năm nay đạt khoảng 2.200ha thì có khoảng 50ha người dân áp dụng mô hình nuôi cá trê vàng, trong đó xã Phương Bình có 35ha. Như trường hợp của ông Đỗ Văn Vững, ở xã Phương Bình, có hơn 10 năm nuôi cá trên ruộng. Nhưng 2 năm trở lại đây, ông chuyển hẳn sang nuôi cá trê thay vì các loại cá trắng như trước kia. Bởi theo ông, cá trê vàng có sức chống chịu với điều kiện thời tiết tốt hơn các loại cá khác và giá bán thường cao hơn. Ông Vững cho biết: “Do cá trê vàng hiện nay rất được ưa chuộng nên giá bán luôn ở mức cao. Năm rồi với diện tích khoảng 1ha, gia đình thu được 30 triệu đồng từ cá trê vàng, cao gấp đôi so với các vụ trước. Trung bình 1kg cá giống khoảng 150.000 đồng, sau 6 tháng thả nuôi có thể cho thu 10kg cá thương phẩm, với giá bán hiện ở mức 100.000-110.000 đồng/kg, người nuôi có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/kg cá giống (cao gấp đôi so với các loại cá ruộng khác).

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng phòng Phòng  Nông nghiệp và PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trước đây, cá trê vàng chưa được nuôi phổ biến trên đồng ruộng do hệ thống đê bao chưa hoàn chỉnh, khi nước lũ về, cá thường theo con nước làm thất thoát cho người nuôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, do hệ thống đê bao được đầu tư cơ bản, cùng với sự chăm chút của bà con, hệ thống mương rãnh, bờ bao của từng cánh đồng được đảm bảo nên các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá trê vàng đã được người dân lựa chọn. Để nuôi cá trê vàng trên ruộng đạt hiệu quả, trước hết người nuôi cần tạo một mương rộng khoảng 1m chạy dọc cánh đồng, độ sâu tương đối để khi mặt nước bị nóng do ánh nắng mặt trời thì cá có thể xuống đó trú ngụ. Về mật độ thả, trung bình 1.000m2 mặt nước có thể thả nuôi khoảng 8-10kg cá giống.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, khi nuôi cá trê vàng trên ruộng còn làm tăng độ phì của đất, do cá ăn rong rêu, làm sạch các loại cỏ dại trong mùa nước, giảm chi phí đầu tư cho vụ tiếp theo. “Trung bình, người nông dân nuôi cá trên ruộng có thể tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/ha tiền làm đất hay xử lý các loại cỏ dại trong vụ lúa tiếp theo”, ông Tự khẳng định.

Thanh Duy Kinh tế nông thôn, 07/10/2016