TIN THỦY SẢN

Triển vọng nuôi cá tầm ở Khánh Hòa

Trại cá ấn tượng với hệ thống dẫn nước vòng quanh. V.Lạc

Tuy mới đưa vào nuôi gần đây, song cá tầm tỏ ra rất phù hợp với khu vực xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Công ty TNHH Cá Tầm Khánh Vĩnh dự kiến phát triển chuỗi nhà hàng để quảng bá sản phẩm cho người dân phố biển.

Đi tiên phong

Theo cha vào Khánh Vĩnh làm việc từ những ngày đầu thành lập lâm trường Sông Trang, anh Kim Việt Hiệu (dân tộc Tày, quê Tuyên Quang) đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất này. Anh kể, anh biết đến cá tầm từ Công ty TNHH Ngọc Mai Trang (tỉnh Lâm Đồng). Đây là loài cá nước lạnh thích hợp với khí hậu Khánh Vĩnh, có hiệu quả kinh tế rất cao. Anh quyết định thành lập Công ty TNHH Cá Tầm Khánh Vĩnh và hợp tác với công ty này bằng cách đưa diện tích đất của mình vào góp vốn.

Những ngày cuối năm, đến thăm trang trại cá tầm của anh Kim Việt Hiệu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một trang trại được đầu tư khá quy mô. Lợi dụng dòng nước lạnh từ suối Đá Trải, công ty dẫn nước vào trang trại quy mô 1ha, với hàng chục bể nuôi. Ấn tượng nhất là đi đâu cũng thấy vòi nước dẫn nguồn nước mát từ đỉnh núi chạy vòng quanh trang trại, duy trì nhiệt độ tối ưu cho loài cá này phát triển.

Anh Hiệu chia sẻ, Khánh Phú có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ cửa rừng khoảng 18 - 25oC, rất sạch nên phù hợp với phổ nhiệt của cá mà các khu vực khác khó lòng đáp ứng. Tuy mới đưa vào nuôi gần 1 năm nhưng cá lớn rất nhanh, hiện nay đã đạt bình quân 1 - 1,5kg/con. Với sản lượng cá tầm thâm canh đạt 180 - 200 tấn/năm/ha, giá bán 200.000 đồng/kg thì có thể thấy cá tầm là loài cá nuôi hiệu quả nhất hiện nay.


Ông chủ cá tầm Kim Việt Hiệu.

Theo anh Hiệu, các khu vực miền núi của Khánh Hòa đều có thể nuôi được loài cá này. Tuy nhiên, hiện nay, hiện tượng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cỏ tràn lan rất nguy hiểm cho sức sống của cá. Vì thế, nơi nào quản lý được vấn đề này mới có thể nuôi tốt. Tại Khánh Phú, khu vực ven suối tính từ thác Yang Bay trở lên diện tích rất nhiều, có thể mở rộng hàng trăm héc-ta để phát triển cá tầm.

Trang trại đi vào hoạt động đã giúp cho một bộ phận người lao động ở xóm Mới, thôn Ngã Hai (Khánh Phú) có việc làm, học được nghề mới, thu nhập khá. Hiện nay, trang trại thu hút khoảng 20 lao động địa phương. Ông Cao Đà Ngân (50 tuổi, xóm Mới) tâm sự: “Tôi được nhận vào làm việc từ đầu năm 2018, công việc nhẹ nhàng, chủ yếu là nhặt rác, vệ sinh bể, tắm cá, cho cá ăn, theo dõi hoạt động của cá… Thu nhập mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, bao cơm ăn, làm giỏi còn được nâng lương”.

Ước vọng chuỗi nhà hàng

Hiệu quả đầu tư đã được khẳng định bước đầu, hiện nay, công ty nghiên cứu để phát triển thị trường. Những ngày cuối năm, nhà hàng cá tầm đầu tiên tại số 9 Hoàng Diệu, Nha Trang thu hút khá đông thực khách. Nhà hàng bố trí nơi chứa cá phục vụ du khách gắn với hệ thống điều hòa nhiệt độ làm mát, đảm bảo luôn có cá tươi sống phục vụ.

Thời gian qua, tuy sản lượng chưa nhiều và không đủ hàng thương phẩm nhưng công ty cũng đã cố gắng quảng bá sản phẩm bằng cách liên kết với công ty mẹ, mở một số điểm cung cấp cá tầm tại xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang), cung cấp cá tầm cho Lữ đoàn Tàu ngầm 189 phục vụ hành trình dài ngày. Sắp tới, công ty sẽ mở thêm một số nhà hàng mang thương hiệu cá tầm Khánh Vĩnh tại Nha Trang và một số nơi khác như Đà Nẵng để phát triển một sản phẩm mới mang thương hiệu Khánh Hòa đến thực khách gần xa.   

V.Lạc Báo Khánh Hòa