Triển vọng nuôi tôm an toàn sinh học
Được Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước triển khai thực hiện tại hộ ông Phan Văn On, ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến khép kín an toàn sinh học đang thu hút sự quan tâm của nông dân trong huyện. Bởi, sau hơn 3 tháng thả nuôi, tôm phát triển khá tốt, tỷ lệ đạt đầu con cao, trọng lượng trung bình từ 40 - 50 con/kg.
Mô hình được thực nghiệm trên diện tích 1ha, đối tượng nuôi là tôm sú. Mật độ thả nuôi 8 con/m2, kết hợp cho tôm ăn bổ sung thức ăn công nghiệp, thường xuyên xử lý chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước trong vuông tôm, giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng để hạn chế xảy ra dịch bệnh. Điểm nổi bật của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến khép kín an toàn sinh học là trong suốt quá trình nuôi hoàn toàn không thay nước. Cách làm này, ngoài giúp môi trường nước ít bị biến động, đảm bảo sức khoẻ tôm nuôi, còn ngăn ngừa được dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào vuông tôm.
Ông Phan Văn On phấn khởi cho biết, trước đây gia đình nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống, mỗi tháng mua tôm sú giống thả 1 lần và nuôi liên tục quanh năm. Cứ tới con nước là rút cống xổ và đặt lú bắt tôm nên mầm bệnh bên ngoài có cơ hội xâm nhập vào vuông, tôm nuôi thường xuyên bị nhiễm bệnh chết. Khi thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến khép kín an toàn sinh học, tôm nuôi phát triển khá tốt.
Đến thời điểm này, chi phí cho 1 ha hơn 30 triệu đồng, dự kiến đến ngày thu hoạch, chi phí tăng lên khoảng 40 triệu đồng. Nhưng với lượng tôm hiện có trong vuông, theo tính toán của ông On, khi thu hoạch, trừ chi phí sẽ còn có lãi trên 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tèo, cán bộ khuyến ngư xã Phú Hưng, chia sẻ, quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến khép kín an toàn sinh học không khó, chỉ cần tham gia lớp tập huấn là bà con có thể áp dụng được.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nam, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết: "Hiện toàn huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên 30.000ha, trong đó có gần 20.000ha tôm nuôi quảng canh truyền thống, năng suất thấp và tiềm ẩn rủi ro do dịch bệnh. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến khép kín an toàn sinh học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, giúp nông dân tăng thu nhập và thực hiện thắng lợi mục tiêu thuỷ sản năm 2016"./.