TIN THỦY SẢN

Triển vọng từ tôm càng xanh

Khảo sát mô hình nuôi tôm càng xanh của hộ ông Nguyễn Văn Công ở xã Phú Long, huyện Bình Đại. Ảnh: H. Hiệp Phương Bình

Trong khi rất nhiều hộ dân thuộc 3 huyện biển chần chừ thả giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú bởi điều kiện thời tiết diễn biến không thuận lợi và dịch bệnh còn dai dẳng thì một số hộ dân đã chuyển sang nuôi tôm càng xanh được hơn 2 tháng tuổi và tôm phát triển rất tốt.

Ở xã An Đức, huyện Ba Tri, có nhiều ao tôm bỏ không bởi người dân không dám thả nuôi tôm thẻ, tôm sú vụ này (bao gồm cả các ao được phép thả nuôi) thì ao tôm càng xanh toàn đực 2.000m2, thả giống 20.000 con/ao (tương đương 10 con/m2) của bà Trương Thị Sáu (ấp 9) quạt phành phạch. Bà Sáu cho biết, tôm phát triển tốt và sau 2 tháng nuôi đã đạt kích cỡ từ 8 - 10cm và rất đồng đều.

Được biết, ao tôm của bà Sáu được đầu tư cải tạo lại và dự kiến sau 6 tháng thu hoạch sẽ tốn chi phí khoảng 70 triệu đồng. Đây là một khoản chi phí chấp nhận được, cho dù không được tài trợ 30% chi phí từ dự án (100% con giống và 30% thức ăn) bà cũng làm.

“Năm ngoái, nuôi tôm thẻ chân trắng vất vả lắm, tôm thì èo uột, phải canh giữ và theo dõi hàng giờ. Dù liên tục theo dõi nhưng khi phát hiện tôm bệnh cũng đã muộn, lỗ mấy vụ liên tiếp. Tôm càng xanh có bị ảnh hưởng thời tiết dao động lớn trong độ mặn từ 0 - 15%o, sức khỏe chúng đều bình thường. Tôi thấy nuôi tôm càng xanh toàn đực chắc sẽ hạn chế được rủi ro” - bà Sáu phấn khởi nói.

Ông Đào Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã An Đức cho biết: Trong tháng tới, xã sẽ tiếp tục triển khai thí điểm một mô hình tôm càng xanh toàn đực từ nguồn tài trợ (100% con giống, 40% thức ăn) của Dự án phòng, chống biến đổi khí hậu (AMD) và sẽ triển khai trên ao tôm nằm trong khu vực được phép thả nuôi tôm biển.

“Xã An Đức có hơn 950ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó chỉ khoảng 500ha trồng lúa 2 vụ, còn lại nuôi tôm. Trên địa bàn xã chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên dự kiến sau khi 2 mô hình này thành công, chúng tôi sẽ khuyến cáo bà con chuyển sang nuôi tôm càng xanh, bao gồm cả vùng quy hoạch nuôi tôm nước mặn” - ông Việt cho hay.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, có 3 mô hình khác được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh vận động thực hiện và tài trợ chi phí khoảng 30% cùng thời điểm với ao tôm của bà Trương Thị Sáu (ở các huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam), cũng như một số hộ dân tự động chuyển đổi sang tôm càng xanh toàn đực ở các xã Phú Long, Thạnh Trị, huyện Bình Đại đều phát triển rất tốt.

Ông Nguyễn Trọng Huy - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư thủy sản Huy Thuận cho biết: Mô hình nuôi tôm càng xanh và cá rô phi đã được công ty thử nghiệm và đang phát triển rất tốt. Dù được nuôi trong môi trường có mầm bệnh từ tôm thẻ chân trắng để lại nhưng tôm càng xanh không ảnh hưởng gì về sức khỏe. Bên cạnh đó, cá rô phi góp phần làm cho môi trường ao tôm thêm sạch. Tuy nhiên, cá rô phi giá trị quá thấp, lại chiếm diện tích lớn trong ao nên hiệu quả kinh tế vẫn còn thấp.

Trong chiến lược phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, con tôm nuôi là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong đó, tôm càng xanh ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bởi con giống sản xuất tại chỗ không ổn định, mang nhiều dịch bệnh, tỷ lệ chuyển post thấp không đủ cung cấp cho nhu cầu thả nuôi. Bên cạnh đó, các hộ duy trì được nghề nuôi sử dụng con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên hiệu quả thấp; nghề nuôi tôm càng xanh ở tỉnh ta, cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long  ngày càng thu hẹp diện tích.

Kỹ sư Châu Hữu Trị - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Tôm càng xanh có thịt trắng, chắc dẽ, thơm, nhiều dinh dưỡng, có giá trị thương phẩm rất cao trong thị trường hiện nay. Bến Tre có tiềm năng rất lớn về nuôi tôm càng xanh nước ngọt. Hiện toàn tỉnh có khoảng 35.000ha diện tích nuôi tôm, trong đó có khoảng 7.230ha có khả năng nuôi tôm càng xanh, đặc biệt khu vực Thạnh Phú có thể áp dụng rất tốt mô hình nuôi trên chân ruộng, nuôi trong ao, nuôi luân canh lúa tôm. Ngoài ra, tôm càng xanh toàn đực sẽ vô cùng thuận lợi nếu được thả nuôi trong các ao tôm biển trót nuôi trong vùng quy hoạch ngọt hóa. Những năm vừa qua, do bà con chưa có nguồn con giống tốt, thả nuôi chưa đúng kỹ thuật nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Mô hình sản xuất con giống tôm càng xanh toàn đực với công nghệ mới của Israel sẽ mở ra hướng đi tốt cho hộ dân có tâm huyết với nghề nuôi trồng thủy sản và khôi phục nghề nuôi, tăng sản lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, làm giàu cho người nuôi.

Phương Bình Báo Đồng Khởi, 06/09/2015