Triệu Vân được mùa tôm thẻ chân trắng
Sau hơn 4 tháng tập trung chăm sóc, hiện nay các hộ nuôi tôm trên cát ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong đang bước vào vụ thu hoạch với niềm vui được mùa. Theo các hộ nuôi tôm, năm nay mặc dù thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài làm tôm nuôi chậm lớn, giá bán cũng không cao như những năm trước nhưng nhờ năng suất cao nên các hộ nuôi vẫn có lãi. Nhà có diện tích nuôi tôm ít thì cũng thu lãi hơn trăm triệu đồng, nhà nhiều thì lên đến vài tỉ đồng.
Đến xã Triệu Vân những ngày này, cái tên được người dân nhắc đến nhiều nhất có lẽ là hộ anh Hồ Văn Chí ở Thôn 9, xã Triệu Vân. Sở hữu một ao nuôi với diện tích 2.500 m2, vụ tôm vừa qua gia đình anh thu hoạch được hơn 13 tấn tôm thương phẩm, sau khi trừ chi phí tôm giống, thức ăn, tiền điện chạy máy quạt nước… anh lãi ròng hơn 1 tỉ đồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Chí cho biết, vụ tôm năm nay mặc dù thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài nhưng nhờ con giống đảm bảo chất lượng, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kĩ thuật ngay từ đầu vụ nên tôm nuôi vẫn phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Tuy giá tôm năm nay không cao như những năm trước, tôm kích cỡ 60 con/kg chỉ bán được giá từ 120.000 - 130.000 đồng/kg nhưng nhờ sản lượng cao nên không chỉ gia đình anh mà hầu hết các hộ nuôi tôm trong xã đều có lãi. Theo anh Chí, một trong những yếu tố thành công của vụ nuôi tôm năm nay là người nuôi tôm đã có kinh nghiệm trong việc phòng trừ dịch bệnh, nắm vững kĩ thuật nuôi từ khâu cải tạo ao nuôi đến chọn giống, chăm sóc… “Hầu hết các hộ nuôi tôm ở đây đều lấy tôm giống từ các công ty có uy tín mặc dù có giá cao hơn so với mặt bằng chung nhưng lại được kiểm dịch tốt, có chất lượng cao, tỉ lệ sống cao, ít bệnh tật. Trong quá trình nuôi, tôi luôn bổ sung men vi sinh, vitamin, khoáng chất, thuốc bổ… giúp tôm tăng sức đề kháng, chống chịu được với biến động từ các yếu tố môi trường, đặc biệt là nắng nóng kéo dài như vừa qua”, anh Chí cho hay.
Cách đó không xa, đang chỉ đạo nhân công tẩy dọn ao để chuẩn bị cho vụ nuôi mới, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết, vụ tôm vừa rồi gia đình ông trúng lớn, với gần 1,5 ha ao nuôi, sản lượng tôm thu hoạch gần 70 tấn, sau khi trừ chi phí ông thu được gần 3 tỉ đồng. Theo ông Lợi, mặc dù chịu ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng kéo dài làm các yếu tố môi trường ao nuôi biến động, tôm chậm lớn, nhưng do áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kĩ thuật tiên tiến ngay từ đầu vụ nên tôm nuôi của ông vẫn phát triển tốt, không bị dịch bệnh. “Hiện gia đình tôi đang xử lí ao để bước vào vụ nuôi tôm thứ hai, cũng là vụ nuôi chính, cũng mong thời tiết thuận lợi, con tôm phát triển, để năm nay được coi là năm được mùa to của người nuôi tôm”, ông Lợi nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Nguyễn Văn Lâm khẳng định, năm 2019 là một năm thắng lợi đối với người nuôi tôm trên địa bàn xã. Với diện tích nuôi tôm toàn xã gần 35,1 ha, đến thời điểm này mặc dù mới thu hoạch được khoảng 80% diện tích nhưng ước tính sản lượng tôm nuôi thu hoạch đã đạt trên 500 tấn, tổng giá trị ước đạt hơn 60 tỉ đồng. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong tháng 8/2019, toàn xã Triệu Vân đã thu hoạch được hơn 100 tấn tôm nuôi, đạt doanh thu hơn 12 tỉ đồng. So với mọi năm, các hộ lãi trung bình 150 - 300 triệu đồng, có hộ đạt lãi cao trên 1 tỉ đồng. Điển hình như hộ ông Hoàng Quang Minh với 1,5 ha ao nuôi, sản lượng thu hoạch đạt gần 80 tấn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 3,5 tỉ đồng. Không chỉ trên địa bàn xã mà một số hộ nuôi còn sang các xã bên cạnh như Triệu An, Triệu Lăng để thuê đất làm ao nuôi tôm và cũng thu được hiệu quả cao.
Theo ông Lâm, đối với nuôi tôm trên cát, vụ nuôi tôm từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm được xem là vụ trái do thời tiết không thuận lợi, hay xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, do nắm vững kĩ thuật, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kĩ thuật mới như nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi theo công nghệ vi sinh, hạn chế kháng sinh, hóa chất; sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng từ các công ty sản xuất giống có uy tín và đảm bảo chất lượng được kiểm dịch theo quy chuẩn và sạch bệnh… nên vụ nuôi năm nay không chỉ đạt năng suất, sản lượng cao mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên. Đặc biệt, với những ao nuôi thả giống tôm thẻ chân trắng của Công ty CP khi thu hoạch nếu phía công ty kiểm nghiệm đáp ứng yêu cầu không có dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm, đạt kích cỡ thì sẽ được thu mua với giá cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với giá thị trường nên đã góp phần nâng cao ý thức của các hộ nuôi trong việc hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm. “Điều đáng mừng là các ao nuôi tôm trên địa bàn xã trong thời gian qua đều không có dịch bệnh xảy ra. Điều này cho thấy người nuôi tôm ngày càng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi, xử lí dịch bệnh để thu được hiệu quả kinh tế cao”, ông Lâm cho hay.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận, trong các xã có diện tích nuôi tôm trên cát trên địa bàn huyện thì Triệu Vân là xã có sản lượng thu hoạch cao nhất. Ông Nhuận cũng lưu ý, sau khi thu hoạch tôm xong các hộ nuôi nên phơi ao một thời gian để ổn định môi trường. Quá trình cải tạo ao nuôi cần làm đồng bộ các bước, tẩy rửa sạch các chất hữu cơ ở bạt ao nuôi. Bờ ao cũng cần gia cố kĩ, hạn chế sự xâm nhập của các yếu tố gây hại từ bên ngoài vào ao nuôi. Lựa chọn tôm giống từ các cơ sở có uy tín, có chứng nhận kiểm dịch. Khuyến khích áp dụng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi hai giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học; hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất để tôm nuôi sinh trưởng tốt, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. “Theo dự báo, trong thời gian tới thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp, mưa rét kéo dài, có thể xảy ra rét đậm, rét hại. Do đó, để đảm bảo tôm nuôi phát triển tốt, người nuôi tôm nên áp dụng quy trình nuôi tôm hai giai đoạn. Theo đó, tôm giống sẽ được ương nuôi khoảng 1 - 1,5 tháng trong các bể hoặc ao nhỏ trong nhà màng để ổn định các yếu tố môi trường, hạn chế dịch bệnh, nâng cao sức đề kháng; sau khi tôm đạt kích cỡ lớn mới chuyển sang giai đoạn 2 để nuôi thương phẩm trong ao nuôi chính ngoài trời”, ông Nhuận khuyến cáo.