Trồng "cây độc", nuôi "con lạ", nhiều nông dân miền Tây hốt bạc
Miền Tây nổi tiếng với những nông dân cần cù, chất phác nhưng cũng đầy sáng tạo. Những mô hình hay, cách làm “độc, lạ” lại thành công không chỉ giúp nhiều nhà nông làm giàu, mà còn góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của cộng đồng trong sản xuất.
Thầy thuyết rắn mối
Anh Thuyết kiểm tra đàn rắn hổ hành.
Thầy Thuyết rắn mối là cách mọi người thường gọi anh Nguyễn Văn Thuyết (ở phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Bởi tuy nghề chính là giáo viên nhưng anh Thuyết lại mê nuôi rắn mối, rắn hổ hành và các loại côn trùng. Anh Thuyết kể lúc trước, khi rảnh rỗi anh hay bắt rắn mối về nướng ăn, thấy thịt thơm ngon nên quyết định tìm hiểu loài vật này để nuôi.
“Những con vật người ta nuôi rồi, mình làm theo thì dễ nhưng rất khó đạt hiệu quả kinh tế cao. Còn những con vật chưa ai nuôi, mình nuôi được thì sẽ thành công lớn”- anh Thuyết nói. Chính cách suy nghĩ hơi “khác người” đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc sống của anh Thuyết.
Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2008, anh Thuyết bắt đầu đi câu rắn mối về nuôi thử nghiệm. Do là động vật hoang dã nên việc nuôi nhốt, chăm sóc, cho ăn rất khó khăn, thậm chí rắn mối còn bị chết.
Để khắc phục, anh tiếp tục quan sát, tìm hiểu về tập tính, đặc điểm sinh trưởng vừa thay đổi môi trường nuôi và cách chăm sóc. Mất rất nhiều thời gian anh mới hoàn thiện kỹ thuật nuôi loài vật này và bắt đầu nhân đàn.
“Rắn mối cái khi mang bầu được bắt ra nhốt riêng, đẻ xong thì bắt thả lại chuồng để tránh việc rắn mẹ khi đói sẽ ăn thịt con. Đàn rắn con được chăm sóc riêng, đến khi cứng cáp, đủ sức khỏe thì thả chung vào bầy…”- anh Thuyết chia sẻ kinh nghiệm.
Sau khi hoàn thiện quy trình kỹ thuật và mô hình nuôi rắn mối, rắn hổ hành, dế, anh Thuyết bắt đầu liên kết với các hộ dân nhằm hỗ trợ con giống, kỹ thuật để cùng làm giàu. Sản phẩm của bà con khi nuôi đạt chất lượng được anh bao tiêu, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo.
Anh Thuyết còn lập các website để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi; thường xuyên cập nhật các bài viết, clip ngắn về cách nuôi để mọi người có thể xem và học hỏi làm theo.
Anh Thuyết cho biết, hiện anh có 7 trại lớn với tổng diện tích hơn 1,5 héc-ta. Trong đó, đàn rắn mối bố mẹ có hơn 500.000 con, rắn hổ hành hơn 700.000 con để bảo đảm đủ cung cấp giống thường xuyên cho người nuôi cũng như để anh nuôi thương phẩm cung cấp ra thị trường.
Để mô hình đạt hiệu quả cao hơn, anh Thuyết nghiên cứu nuôi dế, sâu làm thức ăn tự nhiên cho rắn mối. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu hoàn thiện thêm kỹ thuật nuôi rắn hổ hành để tận dụng những con rắn mối thương phẩm chết hoặc không đủ chuẩn xuất bán làm thức ăn cho rắn hổ hành.
Sau khi thành công với rắn mối, dế và rắn hổ hành, anh Thuyết bắt đầu chơi thêm lan đột biến. Vườn lan của anh hiện có hàng trăm chậu trị giá mỗi chậu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. “Khu vực trại đang được tôi đầu tư xây dựng thành điểm tham quan cho du khách khi đến Bạc Liêu, đồng thời giúp sinh viên, học sinh học tập và nghiên cứu”- anh Thuyết nói.
Kiếm tiền triệu từ nuôi ruồi lính đen
Ông Thoại làm giàu nhờ nuôi thành công ruồi lính đen.
Gần 2 năm qua, ông Dương Hữu Thoại (ở xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đã tìm tòi, nghiên cứu nuôi ruồi lính đen rất thành công. Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, là một loại ruồi được nhiều nước trên thế giới nuôi. Ấu trùng của chúng là thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi heo, gia cầm, thủy sản. Loài này còn được sử dụng để xử lý chất thải trong nông nghiệp, làng nghề.
Ông Thoại cho biết, ông xuất thân là tiểu thương nên thường xuyên thấy cảnh rau, củ, quả tại các chợ phải vứt bỏ, gây ra ô nhiễm môi trường.
“Đầu năm 2018, tôi nghĩ sao mình không tận dụng lượng rác thải này để chăn nuôi nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Từ đó, tôi lên mạng tìm hiểu và phát hiện ruồi lính đen được nuôi rộng rãi ở nhiều nước: Mỹ, Úc... góp phần giải quyết tốt các vấn đề về ô nhiễm môi trường, lại có tiềm năng phát triển kinh tế” - ông Thoại chia sẻ.
Từ đó, ông Thoại tự tìm tòi, nghiên cứu và nuôi thành công ruồi lính đen. Trang trại của ông rộng khoảng 600m2, được chia thành các khu vực cho ruồi đẻ trứng, khu vực nuôi ấu trùng. Theo ông Thoại, vòng đời của ruồi lính đen khoảng 30-45 ngày. Chúng thường được cho đẻ trong các giá thể bằng gỗ, sau đó trứng nở thành ấu trùng rồi phát triển thành nhộng và lột xác thành ruồi.
Thức ăn của ruồi lính đen rất dễ kiếm, chủ yếu là rau củ hư bỏ đi, phụ phẩm nông nghiệp… được ông tranh thủ thời gian rảnh đến các chợ, bãi rác nhặt về. Ông nuôi ruồi lính đen chủ yếu bán trứng và nhộng để làm thức ăn trong chăn nuôi. Ngoài ra, xác ruồi cũng được tận dụng làm phân bón rất tốt.
Hiện ông Thoại bán nhộng ruồi đen với giá 20.000 đồng/kg, còn trứng ruồi đen lên tới 15 triệu đồng/kg. Việc bán trứng và nhộng ruồi lính đen đã giúp ông Thoại có thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Sau khi nuôi thành công, ông Thoại còn chỉ dẫn lại cho một số người dân tại địa phương.
“Nuôi loại ruồi lính đen không khó, hầu như không có rủi ro bởi chúng phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25–30 độ C. Một tấn rau, củ, quả để nuôi ấu trùng có thể cho ra 260–270kg nhộng ruồi lính đen. Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ruồi lính đen là phải làm sao để nâng cao hiệu quả sinh sản của chúng. Sắp tới, tôi tiếp tục nghiên cứu cách dẫn dụ thêm ruồi lính đen chất lượng cao nhằm nâng cao tổng đàn và mở rộng diện tích...”- ông Thoại nói.
Chuyên gia cà cuống
Anh Lăng đang kiểm tra đàn cà cuống.
Cũng đam mê nuôi “con độc lạ” mà 3 năm trước, anh Cao Nguyễn Đô Lăng (ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang) đã làm quen với con cà cuống. Năm 2017, thông qua người quen, anh đến tham quan mô hình nuôi cà cuống ở Tây Ninh để học hỏi và quyết định đưa loài vật này về miền Tây.
Sau gần 3 năm “bén duyên” với con cà cuống, hiện mọi kỹ thuật nuôi dưỡng anh Lăng đều thuần thục. Hiện trang trại cà cuống của anh Lăng có 20 bể nuôi với khoảng 2.000 con bố mẹ và vài ngàn con non, mỗi tháng xuất bán hàng trăm con giống cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.
Khi bán con giống, anh Lăng cũng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi. Anh Lăng đang đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng mua đất mở rộng trại, nâng tổng số lên 30 bể nuôi, với tổng đàn bố mẹ thường xuyên hơn 3.500 con.
Dễ như nuôi ốc bươu đen
Ông Thanh làm giàu nhờ nuôi ốc bươu đen.
Tuy chỉ tận dụng khoảng 1.200m2 mặt nước nhưng nhờ nuôi thành công ốc bươu đen mà ông Lê Hoàng Thanh (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Ông Thanh kể, ông có 5 công vườn, trước đây trồng chanh, bưởi và sầu riêng, dưới nước thì nuôi cá. Do giá thức ăn cho cá ngày càng tăng nên ông quyết định thả ốc bươu đen nuôi chung, sau đó bắt lên làm thức ăn cho cá nhằm giảm chi phí.
Những năm gần đây, ốc bươu đen trở thành món ăn đặc sản ở miền Tây nhưng đa phần đánh bắt ngoài tự nhiên nên luôn hút hàng. Năm 2010, do lượng ốc trong ao phát triển nhanh, làm thức ăn cho cá dư thừa, cộng thêm giá ốc bươu đen trên thị trường tăng cao nên ông Thanh bắt đầu dưỡng ốc bán thương phẩm. Sau đó ông tiếp tục nghiên cứu và lấy trứng ốc đem ấp để tạo nguồn ốc giống.
Cũng theo ông Thanh, ốc bươu đen đẻ quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa. Sau khi trứng nở, ốc con rơi xuống nước, vài ngày sau vỏ cứng dần, chúng tự bò đi kiếm các chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn.
Để tỷ lệ ốc con nở đạt cao hơn, ông thu trứng ốc đẻ ngoài ao để vào thùng ấp và thành công khi cho trứng ốc nở theo ý muốn. Khi ốc đã nở đạt yêu cầu thì đem thả trong vèo rồi nuôi dưỡng khoảng vài tuần, sau đó ốc tự bò ra ngoài ao tìm thức ăn sinh sống.
Cách nuôi ốc từ con nhỏ như vậy tỷ lệ sống đạt gần 100%. “Đối với ốc bắt ngoài tự nhiên nếu muốn nuôi thì không nên thả một lượt xuống ao mà nên đổ ốc gần mé ao rồi tưới nước lên ốc sẽ tự bò xuống ao tìm chỗ sinh sống. Cách làm như vậy ốc nuôi ít bị hao hụt mà còn mau lớn”- ông Thanh chia sẻ.
Ngoài ra, ông Thanh còn nghiên cứu để ủ lục bình, bông súng, bèo tai tượng trong vòng 5–10 ngày cho mục để làm thức ăn cho ốc. Đây là nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên giúp ốc phát triển tốt, tăng trọng nhanh, thịt ốc khá dai và giòn.
Ông Thanh thu hoạch ốc theo từng đợt, khoảng 100kg/ 1 lần/ 1 tuần. Thương lái đến tận ao thu mua với giá từ 60.000–65.000 đồng/kg về bán cho nhà hàng và quán ăn ở TP Cần Thơ. Còn ốc giống 4-5 ngày tuổi, ông bán giá 500 đồng/con.
Chỉ tính riêng thu nhập từ ốc thương phẩm và bán con giống mỗi tháng ông Thanh lời hàng chục triệu đồng. Theo ông Thanh, nuôi ốc bươu đen khá nhàn rỗi, không cần vốn nhiều, không đầu tư thức ăn nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập ổn định. Bà con đến mua ốc giống sẽ được ông chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn kỹ thuật miễn phí.
Chàng trai bảy nuôi nuôi rồng Nam Mỹ
Anh Tân bên con rồng Nam Mỹ dài hơn 1 m.
Tuy mới 22 tuổi nhưng anh Lê Duy Tân (ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, An Giang) đã có 7 năm gắn bó với rồng Nam Mỹ. Anh Tân cho biết năm 2012, một lần thấy người bạn chơi rồng Nam Mỹ màu sắc rất đẹp, nên anh tìm hiểu và mua một con về nuôi làm thú cưng.
Sau khi tìm hiểu sâu hơn về loài này, anh Tân quyết định mua thêm vài con bố mẹ về nuôi, cho nhân giống, đồng thời tự mày mò, học hỏi thêm để hoàn thiện kỹ thuật nuôi. Hiện trại rồng Nam Mỹ của anh có hơn 30 con bố mẹ, nếu vào mùa sinh sản sẽ có được từ 300-500 con giống.
Giá bán rồng Nam Mỹ, tùy theo tuổi, kích thước và màu sắc, chẳng hạn màu xanh có giá 700.000 đồng/con, màu đỏ từ 1,2–1,5 triệu đồng/con, vàng bạch tạng có thể lên tới 30 triệu đồng/con. Riêng con rồng Nam Mỹ tê giác có giá trên 20 triệu đồng/con. Nhờ mua bán rồng Nam Mỹ mà mỗi năm, anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trồng dâu tằm làm du lịch
Ông Thuận rất thành công khi đưa cây dâu tằm về trồng tại Long Xuyên.
Nhắc đến dâu tằm, ai cũng nghĩ chỉ thổ nhưỡng Đà Lạt mới phù hợp, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Thuận (ở xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, An Giang) đã làm thay đổi suy nghĩ này. Xuất thân từ gia đình nông dân, ông Thuận từng trồng nhiều loại cây ăn trái từ chuối, ổi, mãng cầu, xoài cho đến mít, nhãn, nhưng cảnh được mùa rớt giá cứ nối tiếp khiến ông phải suy nghĩ tìm hướng đi mới.
“Năm 2009, biết tôi đang tìm giống cây trồng mới, một người bạn ở Đà Lạt đã giới thiệu cây dâu tằm. Lúc đầu tôi đem vài cây về trồng thử xem có phù hợp với đất của mình không. Nào ngờ trúng quá, từ đó quyết định trồng luôn” - ông Thuận nói.
Từ thành công với những cây dâu ban đầu, ông Thuận quyết định trồng trên toàn diện tích 4 công với hơn 300 gốc dâu. Theo nhẩm tính của ông Thuận, mỗi công một năm cho 2 vụ, một vụ thu hoạch khoảng 3 tấn trái, bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg, ước tính mỗi năm có thu nhập gần 500 triệu đồng, đó là chưa kể đến các sản phẩm từ dâu: mứt, nước cốt, rượu…
Gần đây, ông Thuận tiếp tục phát triển vườn dâu thành điểm du lịch sinh thái. 300 gốc dâu cũng được ông trồng rồi nghiên cứu các cho trái rải vụ để khách đến bất kỳ thời điểm nào dâu cũng có trái. Ông Thuận cho biết thêm khi dâu vào mùa chín rộ, người dân nhiều nơi tò mò đến “mục sở thị” dâu tằm đồng bằng.
Thấy vậy, ông cho vào vườn vui chơi dưới tán dâu, tự do hái trái ăn miễn phí. Khi khách có nhu cầu mua dâu tươi, uống nước dâu tại chỗ hay mua rượu dâu, nước cốt dâu… mang về ông mới tính tiền.
Sau 10 năm gắn bó với cây dâu tằm, cuối cùng ông Thuận đánh giá dâu tằm là giống cây “số 1”. “Giống cây này dễ trồng, cho năng suất cao, lại có thể chế biến ra nhiều sản phẩm. Tiêu thụ không hết thì ủ làm nước cốt dâu, mứt dâu, sirô dâu, rượu dâu… chẳng sợ hư hao gì”- ông Thuận nói.
Năm 2015, ông đã đăng ký thương hiệu với sản phẩm “Nước cốt dâu tằm tươi 2 Thuận”, sirô và mứt dâu “2 Thuận”. Từ đó, những sản phẩm này được quảng bá tại các kỳ hội chợ, các lễ hội ở địa phương, đồng thời thu hút ngày càng đông khách du lịch trong, ngoài tỉnh đến tham quan giúp đầu ra trái dâu ổn định.
Người đem cây riềng về trồng ở U Minh Hạ
Anh Hậu đưa cây riềng về trồng thành công ở miệt rừng U Minh Hạ.
Giữa xứ tràm U Minh Hạ có một “rừng” riềng hơn 2 héc-ta làm nhiều người bất ngờ. Bởi xưa nay, mỗi nhà thường trồng 1 bụi riềng để dùng gia đình chứ không ai trồng thương phẩm, nhưng anh Nguyễn Thiện Hậu (ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) lại có suy nghĩ khác. Hơn 6 năm kể từ ngày đưa cây riềng về vùng đất U Minh Hạ đã chứng minh cách nghĩ, cách làm của anh là đúng.
Anh Hậu kể vùng này người dân sống nhờ cây tràm nhưng đời sống rất bấp bênh. Từ đó, anh nghĩ phải tìm một loại cây trồng phù hợp không chỉ giúp bản thân phát triển kinh tế mà còn xây dựng thành mô hình sản xuất hiệu quả ở địa phương. Năm 2013, trong một lần đi tham quan ở Long An, anh Hậu thấy tiềm năng của cây riềng nên quyết định đem giống về trồng thử nghiệm.
“Không hiểu sao riềng rất thích hợp trên đất than bùn này. Không cần tốn nhiều công chăm sóc, khi trồng phải lên liếp cao, hàng cách hàng 1m. Cũng như gừng, riềng không chịu được ngập úng, chỉ cần vừa đủ lượng nước là phát triển tốt vào mùa khô”- anh Hậu nói.
Sau khi thử nghiệm thành công, anh Hậu quyết định lên liếp và mua 3 tấn riềng giống về trồng. Riềng nhanh bén rễ, lá vượt cao hơn đầu người, hơn 1 năm là bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Hậu cho biết: “Riềng này để lâu thì củ càng lớn, càng thơm, ngon chứ không bị hư như gừng. Năm trước tôi thu hoạch hơn 15 tấn, giao cho mối ở chợ Cà Mau được 13.000 đồng/kg, còn người ta vô tới chỗ mua thì 11.000 đồng/kg. Hơn 6 năm nay, tính ra mỗi năm nhà tôi thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng riềng”.
Theo anh Hậu, trồng riềng không sợ lỗ, vì khi nào có người đặt hàng mình mới thu hoạch. Sau đó, dùng củ vừa thu hoạch để trồng lại đợt mới, nên chỉ tốn tiền mua giống lần đầu tiên. Chỉ cực khâu sơ chế, phải cắt tỉa rễ, rửa sạch mới giao cho thương lái.
“Với khả năng hiện nay, tôi có thể mở rộng thêm diện tích trồng riềng, nâng cao năng suất đạt 40 tấn/ha/năm và đầu tư máy móc xay thành bột riềng để làm thuốc, làm thức ăn cho gia súc, cho tôm nuôi, giúp ích cho hệ miễn dịch và tiêu hóa”- anh Hậu nói.