TIN THỦY SẢN

Trung Quốc: đánh mất dần lợi thế chế biến cá thịt trắng?

Thu Trang

Trong vòng 10 năm qua, chi phí cho tiền lương tăng gấp 2,5 lần, dân số Trung Quốc đang già đi trong khi các nước khác đang sẵn sàng trở thành công xưởng thế giới mới. Tiền lương tăng và dân số già đang giảm tính hấp dẫn của Trung Quốc đối với các DN chế biến cá thịt trắng.

Dân số của Trung Quốc đạt 1,35 tỷ người, lớn hơn tổng số dân của các nước phương Tây, Nga, Nhật Bản và Brazil cộng lại. Tuy đông dân nhưng dân số lại đang bị già hóa. Nguyên nhân là do chính sách một con, kéo dài trong hàng chục năm. Đây có thể sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với lực lượng lao động vào năm 2050. 

Trên thực tế, số lượng người trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc đang giảm dần. Trong 15 năm từ năm 1995 đến năm 2010, số người lao động của Trung Quốc tăng nhiều hơn cả Mỹ và gấp 4 lần của Đức. Sau thời kỳ này, trong 5 năm, Trung Quốc mới có thêm 45-85 triệu lao động. Từ năm 2015 trở đi, lực lượng lao động bắt đầu giảm và sẽ còn tiếp tục giảm cho đến năm 2050. Dự báo trong thập niên tới, Trung Quốc sẽ mất gần 40 triệu người trong lực lượng lao động, tức là 4 triệu người/mỗi năm.Từ năm 2025-2030, mỗi năm, số lượng người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm gần 10 triệu. Chính vì lực lượng lao động bị thu hẹp nên tiền lương đang tăng lên nhanh chóng.

Chi phí cho tiền lương tăng 250% so với năm 2005. Mức tăng này nhiều hơn tất cả các nền kinh tế lớn khác. Ở hầu hết các nước EU và Mỹ, lương không tăng (lương thực tế- đã trừ yếu tố trượt giá). Do đó, chi phí chế biến thủy sản tại Trung Quốc từ mức thấp, tăng lên mức trung bình và giờ là tương đối cao.

Những người có khả năng làm việc thì đang già đi. Trung Quốc từng cạnh tranh nhờ lao động giá rẻ nhưng có kỹ năng tốt, nhưng hiện nay, đây không còn là lợi thế. Rất khó để tìm ra một nước có thể thay thế Trung Quốc. Ngành chế biến có thể chuyển sang châu Phi hay Ấn Độ. Tuy nhiên, các khu vực này cần đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng.

Để giữ vững vị thế hiện nay, Trung Quốc sẽ buộc phải tự động hóa dây chuyền sản xuất, đầu tư mạnh vào công nghệ hoặc các DN tìm đến các nước có lao động rẻ hơn, như Indonesia, Ấn Độ hay Việt Nam, cũng có thể là Nga, Mexico, Ba Lan, các nước thuộc khu vực Baltic hoặc Hy Lạp. Một số DN có thể chuyển sang chế biến tại EU hoặc Mỹ.

Nguồn cung cá thịt trắng toàn cầu tương đối ổn định trong những năm gần đây.Tổng lượng cá đáy trong năm 2016 dự kiến là 195.000 tấn, tăng khoảng 2,8%. Nga sẽ là nước sản xuất cá thịt trắng lớn nhất và là động lực tăng trưởng trong năm 2016. Hạn ngạch đáy cá của nước này sẽ tăng 140.000 tấn.

Cá thịt trắng nuôi đã đạt 10 triệu tấn và cũng sẽ phát triển nhanh. Tại châu Á, và đặc biệt là Trung Quốc, cá rô phi là loài được phát triển nhiều nhất. Chỉ trong vòng 3 năm, sản lượng cá rô phi đã tăng 1 triệu tấn. Đây sẽ là động lực mới đối với sự phát triển của ngành chế biến.

Vì vẫn phụ thuộc vào chi phí lao động thấp nên ngành chế biến không chuyển sang tự động hóa. Tuy nhiên, tự động hóa vẫn là một cách thức giúp phát triển ngành. Trung Quốc rất có thể sẽ đi theo con đường tự động hóa để phát triển sản xuất cá phile đông lạnh.

Về dài hạn, khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil có thể sẽ là khu vực tăng trưởng chính đối với sản xuất và chế biến thịt trắng nước ngọt.

Thu Trang Vasep, 18/12/2015