Từ vụ cá sấu sổng chuồng ở Cà Mau: Quy định để nuôi cá sấu an toàn
Lĩnh vực chăn nuôi cá sấu chưa bị ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh nào.
Chuyện cá sấu của Công ty Quốc Việt ở Cà Mau sổng chuồng, đe dọa đến đời sống người dân đã đặt ra một vấn đề: Phải xem lại điều kiện kinh doanh các lĩnh vực tiềm ẩn nguy hiểm.
Quy định hiện hành: Tùy ý làm!
Hiện nay, nhiều ngành nghề kinh doanh đã bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện như phải có vốn pháp định, phải ký quỹ, có đủ cơ sở vật chất được thẩm định, nhân viên đủ trình độ… Trong khi đó, lĩnh vực chăn nuôi cá sấu hiện không bị ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh nào.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam, cho biết việc nuôi cá sấu phải tuân thủ Nghị định 82/2006 về xuất nhập khẩu, nuôi trồng động thực vật hoang dã. Đồng thời, cơ sở nuôi cá sấu còn phải tuân thủ Tiêu chuẩn ngành về nuôi cá sấu nước ngọt do Bộ NN&PTNT ban hành năm 2006.
Tuy nhiên, Nghị định 82/2006 chỉ quy định chung chung theo kiểu “chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi và năng lực sản xuất của trại nuôi”, “bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vệ sinh môi trường” và “có người đủ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý, kỹ thuật”…
Chính vì thế mà việc xây dựng chuồng trại cụ thể như thế nào, làm sao để bảo đảm an toàn… thì doanh nghiệp tùy ý mà làm vì không có quy định.
Lo cho cá sấu...
Trong Tiêu chuẩn ngành về nuôi cá sấu nước ngọt có đề cập đến việc xây dựng chuồng trại cá sấu. Mặc dù có nhấn mạnh: “Chuồng trại phải đảm bảo chắc chắn không để cá sấu thoát ra ngoài” nhưng tiêu chuẩn đưa ra lại khá mơ hồ. Ví dụ, tiêu chuẩn chuồng cá sấu bố mẹ là phải có tường bao quanh, chiều cao “khoảng 2 m”, chuồng cá sấu con thì “tốt nhất là được kết cấu bằng bê tông, cốt thép”, vách chuồng cao “khoảng 90 cm”. Trong khi đó, tiêu chuẩn này đề cập đến việc “trồng cây xanh tạo bóng mát cho cá sấu”, “gờ bê tông tròn nhẵn để tránh làm xước da bụng cá sấu”!
Xem ra vấn đề chăm sóc cá sấu được coi trọng trong tiêu chuẩn này chứ không phải là vấn đề an toàn cho con người nếu xảy ra sự cố cá sấu sổng chuồng. Đặc biệt, việc theo dõi, đánh dấu cá sấu cũng nhằm theo dõi việc sinh đẻ và phối giống cho cá sấu chứ không phải để kiểm đếm, quản lý số lượng cá sấu, tránh nguy cơ truy bắt sót lọt khi đàn cá sấu sổng chuồng.
Ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà (TP.HCM), cho biết hầu hết doanh nghiệp nuôi cá sấu chỉ đánh dấu cá sấu đẻ chứ không đánh dấu đối với cá sấu thịt.
Nên có bảo hiểm
Ông Hưng cho biết đã từng làm việc trong Thảo Cầm Viên hàng chục năm. “Trong đấy có chuồng cá sấu kiên cố lắm nhưng nếu yêu cầu doanh nghiệp nào muốn nuôi cá sấu cũng phải xây chuồng trại kiên cố như Thảo Cầm Viên thì doanh nghiệp sẽ… lỗ”!
Cũng theo ông Hưng, hiện nhiều chuồng cá sấu được xây vách ngăn theo kiểu tường gạch bê tông cao 1 m, bên trên tường là lưới sắt cao thêm 1 m nữa. Với vách ngăn cao 2 m như vậy thì không lo cá sấu bò ra ngoài.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc xây chuồng trại cá sấu phải phù hợp với điều kiện địa lý nơi đặt trang trại. Ở TP.HCM thì có thể vách cao 2 m là vừa nhưng nếu làm chuồng rại ở vùng đất mềm dễ sạt lở, gần sông ngòi, kênh rạch, ở vùng hay bão lũ… thì chuồng trại phải được làm cao hơn, vật liệu an toàn hơn, móng tường chắc chắn hơn và phải kiểm tra chất lượng chuồng trại định kỳ.
Ngay cả khi có chuồng trại chắc chắn cũng không tránh khỏi những sự cố ngoài ý muốn như mực nước lũ lên cao chưa từng có, bão lớn ngoài dự liệu, cây lớn ngã đổ làm sập tường… Ông Hưng cho rằng nếu buộc doanh nghiệp ký quỹ tiền tỉ để đảm bảo giải quyết hậu quả khi có sự cố cá sấu sổng chuồng thì rất thiệt thòi cho doanh nghiệp vì thật sự thì sự cố này rất hiếm xảy ra, coi như khoản tiền đó bị “chết một chỗ”. Theo ông, nếu cần phải bảo đảm khắc phục hậu quả thì nên hướng đến việc bán bảo hiểm rủi ro cho cá sấu. Nếu cá sấu sổng chuồng, công ty bảo hiểm chi trả các khoản chi phí khắc phục sự cố và hậu quả.
Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh nhưng quyền tự do đó phải hài hòa với các quyền tự do của cộng đồng. Người dân phải được đảm bảo quyền sống thoải mái chứ không thể để doanh nghiệp tự do kinh doanh còn người dân sống trong nỗi lo sợ như việc cá sấu sẽ/đang sổng chuồng. Do đó, Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành những điều kiện chặt chẽ đối với việc kinh doanh cá sấu để đảm bảo sự an toàn cho người dân, trong đó bao gồm cả tâm lý an toàn. Nhiều ngành phối hợp Đã có chủ trương xây dựng quy định về điều kiện kinh doanh cá sấu. Tuy nhiên, cần phải có nhiều ngành phối hợp như chăn nuôi, nông nghiệp chứ không riêng gì lâm nghiệp. Ngoài điều kiện chuồng trại phải tính đến sự phối hợp liên ngành trong xử lý sự cố, ví dụ như tình hình vừa rồi, khi cá sấu sổng chuồng ra thì ai xử lý, cụ thể là những việc gì, ngành nông nghiệp xử lý chuyện gì, ngành chăn nuôi xử lý ra sao, kiểm lâm địa bàn chịu trách nhiệm gì… Ông NGUYỄN BÁ NGÃI, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp |