Từ vụ nuôi tôm hùm đỏ: Thêm lời cảnh báo về sinh vật ngoại lai
Quan điểm của TS. Nguyễn Văn Thường, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ về tôm hùm đỏ và l ý sinh vật ngoại lai gây nguy hại.
Những sinh vật ngoại lai nhập vào Việt Nam như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá lau kính... đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều địa phương trong cả nước. Gần 20 năm trước, được đưa vào nuôi thử nghiệm và chỉ vài năm sau, nạn ốc bươu vàng đã bùng phát trên phạm vi cả nước gây ảnh hưởng hàng chục ngàn ha đất lúa. Bài học từ ốc bươu vàng, rùa tai đỏ…. vẫn còn nguyên giá trị.
Mới đây, tại Đồng Tháp, việc xuất hiện tôm hùm đỏ - một loài động vật ngoại lai có khả năng gây hại mùa màng hơn cả ốc bươu vàng, một lần nữa cảnh báo trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Phóng viên VOV phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Thường, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ về vấn đề này.
PV: Thưa ông, tôm hùm đỏ nếu sinh sôi, phát triển tràn lan có thể gây nguy hại ra sao, nhất là đối với vùng đất lúa ĐBSCL?
TS. Nguyễn Văn Thường: Khả năng sinh sản của tôm hùm đỏ rất nhanh, mang trứng, nở ra rồi theo môi trường nước ngọt vì thế nó lây lan như ốc bươu vàng. Bản chất của tôm hùm đỏ là cắn làm hư hại lúa sau đó là bỏ đi chứ không ăn như ốc bươu vàng nên mang tính phá hoại nhiều hơn.
Chính vì thế, tôm hùm đỏ rất nguy hiểm và mang tác hại khá lớn khi phát triển ở vùng ĐBSCL. Bởi nơi đây là vùng trồng lúa là chính. Trong tương lai, nếu mình không kiểm soát được vấn đề này xử lý sẽ rất khó khăn.
PV: Đã có nhiều cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp và người dân vô tư nhập các loại sinh vật ngoại lai nguy hại. Thưa ông, liệu có phải do doanh nghiệp hoặc người dân chưa được tuyên truyền đúng và đủ, hay vì lợi nhuận hoặc nguyên nhân sâu xa nào khác?
TS. Nguyễn Văn Thường: Tôi thấy vấn đề này cần phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền hơn nữa để mang tính phổ biến rộng. Nhiều kỹ sư được đào tạo chuyên ngành cũng rành vấn đề này, nhưng các cơ quan chuyên ngành cần quan tâm nhiều hơn công tác quản lý.
Đặc biệt khi nhập sinh vật ngoại lai về thì phải qua hệ của xuất khẩu nên phải có kiểm dịch động vật thật kỹ, nếu không sẽ lây lan rất nhanh. Trước mắt ở Đồng Tháp cần phải có biện pháp ngăn chặn gấp vì ngăn chặn từ ban đầu bao giờ cũng dễ hơn.
Con tôm này không có hiệu quả kinh tế, vì tôm nuôi chậm lớn. Trong khi đó, hệ sinh thái ĐBSCL khác hoàn toàn nên phải hạn chế nó. Về mặt nhà nước phải kiểm soát lại. Đối với doanh nghiệp sử dụng vật nuôi này là không nên vì không mang lại lợi ích gì.
PV: Theo ông, các cơ quan quản lý đã làm hết trách nhiệm kiểm định hay chưa khi để sinh vật ngoại lai tiếp tục được tuồn vào Việt Nam?
TS. Nguyễn Văn Thường: Về phía quản lý nhà nước cần tìm hiểu rõ xem nguồn cung cấp sinh vật ngoại lai ở đâu, nếu không rõ nguồn thì phải ngăn chặn.
Mặc dù các quy định của ngành đã tương đối đầy đủ, nhưng khi đi sâu vào chi tiết quản lý theo các đối tượng nhập vào sẽ có chỗ nào đó không chắc chắn sẽ là kẽ hở cho việc nhập khẩu sinh vật ngoại lai.
Trước đây, đã có nhiều loại sinh vật ngoại lai nhập vào nước ta nên hệ thống quản lý cần phải phải chú ý thật kỹ để ngăn chặn. Đặc biệt là đối với các chi cục thủy sản hiện nay phải tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn để khi có vấn đề xảy ra phải tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân.
Còn đối với các doanh nhân, những nơi đưa nguồn sinh vật ngoại lai vào thì phải có biện pháp xử lý triệt để, nếu không sẽ nảy sinh những ý đồ không tốt với danh nghĩa phát triển kinh tế.
PV: Riêng đối với người dân ĐBSCL, ông có lời khuyên gì để họ không phải vướng vào những tình cảnh như cho thuê đất để các doanh nghiệp sử dụng nuôi những sinh vật ngoại lai?
TS. Nguyễn Văn Thường: Người dân cần phải hết sức cẩn thận khi chuyển đổi các đối tượng nuôi. Nếu thấy các đối tượng nuôi lạ cần phải có quá trình để tìm hiểu thêm bằng cách liên hệ với các cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương, hoặc ở các viện, trường.
Trường Đại học Cần Thơ có nhiều thông tin về các đối tượng thủy sản nuôi nên sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn cho bà con nông dân, giúp người dân tránh nuôi những con không phù hợp, không mang lại hiệu quả trong sản xuất, đặc biệt nguy hiểm khi vô tình nuôi sinh vật ngoại lai.
PV: Xin cảm ơn ông!./.