TIN THỦY SẢN

Tương lai nào cho bảo hiểm thủy sản?

Bảo hiểm cần làm nhanh, gọn thủ tục đơn giản giúp người nuôi tôm - Ảnh: Phan Thanh Cường mỹ hà

Thực tế là, trong khi chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện BH thủy sản thì tại ĐBSCL, Nhà nước đã thực hiện thí điểm thành công. Tuy nhiên, việc có tiếp tục được hết thời gian thí điểm hay không, có thể triển khai ra diện rộng hơn hay không... lại là một câu chuyện khác.

Cũng vì những lý do đã nêu trong các bài trước mà năm 2013, các DNBH gốc (Bảo Việt, Bảo Minh) gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu xếp tái BH cho cả chương trình thí điểm BHNN. Hậu quả đáng buồn đầu tiên là năm nay, Tcty CP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) chỉ thu xếp được qua SwissRe 70% mức trách nhiệm BH (thay vì 95% như năm 2012).

Với 30% còn lại, các DNBH gốc (Bảo Việt, Bảo Minh) chỉ được phép giữ lại 5% theo quy định, còn lại phải tự thu xếp tái BH với các DNBH khác. Nhưng hiện nay, hai DNBH này cũng đang chưa tìm được lối tiếp cận nào do các nhà tái BH quốc tế không mặn mà, thậm chí né tránh loại hình BH có độ rủi ro cao này. Đây là lý do cốt yếu của việc dừng triển khai hợp đồng bảo hiểm thủy sản. Phó Tổng giám đốc Bảo Minh Phạm Xuân Phong đã nói rõ, nếu không thu xếp được tái BH, chắc chắn Bảo Minh không thể mạo hiểm ký HĐ với người nuôi trồng thủy sản.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Trịnh Quang Tuyến, tại một số nước trên thế giới, để triển khai BHNN thành công, ngoài chính sách hỗ trợ phí BH, Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ tái BH đối với trường hợp tổn thất xảy ra vượt quá khả năng tài chính của DNBH. Ngay trong quy định của Quyết định 315/QĐ-TTg, tại điểm c, khoản 1 Điều 2, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ đối với các DNBH triển khai thí điểm BHNN và thực hiện hỗ trợ (nếu có) theo thẩm quyền.

Chiếu vào thực tế hiện nay, để bảo đảm triển khai thí điểm BHNN thành công, tránh thắc mắc từ phía người sản xuất nông nghiệp về việc dừng triển khai BH thủy sản, cần phải có chính sách hỗ trợ DNBH, bởi đó là giải pháp tình thế cấp bách. “Chỉ còn một tuần nữa thôi, vào giữa tháng 7, khi người dân đã xong công việc thả giống thì chương trình tái BH sẽ trở thành vô nghĩa. Do đó, DNBH cần được hỗ trợ bằng cách cung cấp một chương trình bảo hiểm tạm thời” - đại diện Tcty bảo hiểm Bảo Việt nêu quan điểm.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế BH, với điều kiện của nước ta hiện nay, trong trường hợp tổn thất xảy ra mang tính thảm họa, thì số tiền bồi thường BHNN là 1.652 tỷ đồng. Còn trong trường hợp tổn thất xảy ra tương tự như năm 2012 thì tổng số tiền này vào khoảng 200 tỷ đồng, tương đương tổng kinh phí hỗ trợ phí BHNN đã chi cho các địa phương (169 tỷ đồng) trong suốt thời gian vừa qua.

“Tôi nghĩ đây là số kinh phí có thể thu xếp được, bởi theo Bộ Tài chính, trong trường hợp ước khả năng tối đa tất cả các hộ sản xuất tham gia BHNN thì tổng số kinh phí hỗ trợ phí BHNN vào khoảng 500 tỷ đồng. Trong trường hợp thiệt hại giống như năm 2012, tổng số tiền Nhà nước phải chi ra để bồi thường sẽ là 200 tỷ đồng, vẫn nằm trong số kinh phí dự kiến hỗ trợ phí BHNN hàng năm, mà lại giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cả DNBH lẫn Ban chỉ đạo BHNN địa phương, giúp hàng triệu người sản xuất nông nghiệp có cơ hội được tiếp tục sử dụng công cụ tài chính này” - Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Trịnh Quang Tuyến nói.

BHNN có thể triển khai ra diện rộng được hay không, bên cạnh điều kiện tiên thiết là phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thì câu trả lời còn phụ thuộc vào động thái của chính quyền các địa phương, và đặc biệt là của người sử dụng sản phẩm BH này. Chỉ cần một trong số những yếu tố trên không nỗ lực vì cái chung thì những thành quả của chương trình thí điểm BHNN trong suốt mấy năm qua sẽ lại chịu chung số phận của những công trình “nghiên cứu khoa học” thiếu thực tế, còn ĐBSCL sẽ trở lại việc nuôi trồng không có bảo hiểm như trước đây.

mỹ hà báo Pháp Luật