Tuyên bố cấm NK cá từ VN của Nga là trái thông lệ quốc tế
Trao đổi với NNVN xung quanh tuyên bố cấm NK cá từ Việt Nam (VN) của Nga từ ngày 31/1/2014, ông Nguyễn Như Tiệp (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản (Nafiqad) khẳng định điều này là trái với thông lệ quốc tế và sẽ kiên quyết làm việc với phía Nga.
Về vấn đề Ethoxyquin, chúng ta từng đề nghị phía Nhật tăng mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) của Ethoxyquin đối với tôm từ 0,01 lên 1 ppm. Tuy nhiên vừa qua họ chỉ mới đồng ý tăng từ 0,01 ppm lên 0,2 ppm? Liệu như thế đã thỏa đáng chưa, thưa ông?
Tất nhiên khi họ đưa ra việc điều chỉnh MRL, cũng có căn cứ vào các đánh giá nguy cơ. Chúng tôi cũng đang đề nghị họ gửi tất cả hồ sơ đánh giá nguy cơ khi tăng từ 0,01 ppm lên 0,2 ppm. Nếu họ không có đủ cơ sở dữ liệu đánh giá nguy cơ xem việc tăng tới 0,2 ppm như vậy đã thỏa đáng chưa, thì chúng tôi sẽ lại phải tiếp tục đề nghị họ tăng MRL lên nữa, thậm chí là 1 ppm như cá chứ không chỉ là 0,2 ppm.
Mặc dù phía Nhật đã tăng MRL của Ethoxyquin đối với tôm lên 0,2 ppm, nhưng với mức đó nghĩa là vẫn còn rào cản?
Các lô hàng tôm chúng ta XK sang Nhật trước đây bị phát hiện vượt MRL của Ethoxyquin đa số đều chỉ ở ngưỡng mức 0,02 đến 0,06 ppm. Vì vậy, nếu thực trạng tồn dư Ethoxyquin trên tôm nuôi ở Việt Nam (VN) không có thay đổi đột biến, thì khả năng tôm của VN XK sang Nhật bị “dính” rào cản vì MRL vượt quá 0,2 ppm là rất ít có khả năng xẩy ra và chúng ta hoàn toàn yên tâm.
Tất nhiên mục tiêu của chúng ta là muốn họ nâng lên mức 1 ppm tương đương với cá, tuy nhiên việc họ nâng lên mức 0,2 ppm cũng đã là rất mừng, bởi tôm là mặt hàng XK rất quan trọng của VN tại Nhật.
Việc Nhật tăng MRL của Ethoxyquin đối với tôm liệu có khiến tình trạng sử dụng chất bảo quản này trong TĂCN tăng mạnh trong nước, khiến sẽ lại xẩy ra nguy cơ tồn dư chất này cao hơn trong thủy sản nước ta không thưa ông?
Ethoxyquin là chất chống oxy hóa không thể thiếu trong SX TĂCN, đã được quốc tế, gồm cả Mỹ, EU và cả chính Nhật Bản... cho phép sử dụng để bảo quản bột cá với MRL trên bột cá lên tới 100 ppm, thậm chí như đã nói chính Nhật cũng đang cho phép MRL chất này trên cá tới 1 ppm trên cá.
Vì vậy, nếu cho thủy sản (trong đó có tôm) ăn TĂCN có chất bảo quản Ethoxyquin với hàm lượng bình thường như hiện nay thì như đã nói, cũng chỉ phát hiện MRL của Ethoxyquin trên tôm từ 0,02 đến 0,06 ppm mà thôi. Vì vậy, rất khó có khả năng gây ra tồn dư chất này trên tôm nuôi vượt quá 0,2 ppm như quy định mà Nhật vừa áp dụng.
Mặt khác, kể cả trước đây khi họ yêu cầu MRL phải đạt 0,01 ppm thì cũng không phải chúng ta không “né” được quy định này. Thực tế thời gian qua chúng ta khuyến cáo người nuôi tôm không nên cho tôm ăn thức ăn chứa Ethoxyquin trước thời điểm thu hoạch, hoặc nên cho tôm đói trước khi thu hoạch để không còn thức ăn có Ethoxyquin trong hệ tiêu hóa khi thu hoạch và không phải lô tôm nào sang Nhật cũng bị “ách” lại vì vượt MRL.
Vì thế ngay cả khi họ áp dụng mức MRL là 0,01%, nếu người nuôi tôm có giải pháp kỹ thuật hợp lý thì vẫn “né” được, chứ không phải lúc nào cũng vi phạm. Bây giờ họ nâng lên 0,2 ppm, thì giải pháp kỹ thuật nuôi cũng sẽ bớt khắt khe hơn mà thôi.
Đó là Ethoxyquin. Nay lại một thông tin thời sự khác, ở thị trường Nga vừa xảy ra sự cố khi họ cho báo chí biết sẽ cấm NK cá từ VN từ sau ngày 31/1/2014?
Chúng tôi khẳng định động thái này của phía Nga là việc trái với thông lệ quốc tế và sẽ quyết liệt làm việc với họ để giải quyết vấn đề này.
Tôm chưa kịp mừng, cá tra đã lại lo trước lệnh cấm của Nga
Vì sao ông nói tuyên bố cấm NK cá của phía Nga là trái với thông lệ quốc tế?
Vừa qua, phía Nga (cùng với nhiều nước khác) có quy định VN kiểm tra bổ sung một số vấn đề liên quan đến khâu kiểm soát trong nuôi trồng, sử dụng thuốc kháng sinh, dịch bệnh, kiểm tra công nhận cơ sở nuôi trồng... và họ cho rằng phía VN chưa đáp ứng yêu cầu của họ, đặc biệt là việc họ phát hiện khuẩn E.coli... nên sau đó họ thông tin cho các hãng thông tấn báo chí về việc sẽ tạm đình chỉ NK cá của Việt Nam từ sau ngày 31/1/2014.
Theo thông lệ quốc tế thì sau khi đi kiểm tra, họ phải có báo cáo gửi cho nước chủ nhà về các vi phạm lớn để tham vấn. Chúng tôi cũng đã đề nghị họ sau khi kiểm tra thì thông báo cho phía VN bằng văn bản thông tin cụ thể về các sai sót, tuy nhiên họ nói rằng họ không cử các đơn vị có thẩm quyền công bố thông tin đó cho phía VN, nên chỉ nói rằng về nước sẽ báo cáo với cơ quan chức năng của họ.
Thực tế hiện tại, chúng tôi vẫn chưa hề nhận được bất kỳ báo cáo tham vấn nào, cũng như bất kỳ thông báo nào về việc họ sẽ áp dụng lệnh cấm từ ngày 31/1 như báo chí nêu.
Thứ hai, theo thông lệ quốc tế, chúng tôi chỉ đề nghị họ kiểm tra SX cá theo chuỗi, nhưng họ lại xuống kiểm tra xét duyệt từng DN nên phải khẳng định rằng họ không thực hiện đúng quy trình kiểm tra theo thông lệ quốc tế...
Xin nói rằng, đây không phải là lần đầu tiên phía Nga có hành động này mà quá khứ đã từng 3 lần họ làm như vậy với VN, họ cấm không chỉ của VN mà thậm chí cả Na Uy, Trung Quốc... Thực sự chúng ta sai sót thì phải ghi nhận để sửa chữa khắc phục. Tuy nhiên khách quan mà nói đây có thể chỉ là chiêu bài mang tính chất rào cản thương mại của họ là chính, chứ vi phạm của phía Việt Nam là không tới mức nghiêm trọng phải làm như thế.
Vậy bây giờ cần xử lí ra sao với tuyên bố lệnh cấm của Nga, thưa ông?
Chúng tôi đã có văn bản gửi cho các đơn vị chức trách của phía Nga yêu cầu họ gửi báo cáo tham vấn cho nước bị kiểm tra là VN và sẽ kiên quyết yêu cầu họ về việc này. Chúng ta XK cá đi hơn 100 nước trên thế giới, chứ đâu chỉ có Nga?
Xin cảm ơn ông!