TIN THỦY SẢN

Tuyên Quang: Đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất thủy sản

Khu vực nuôi cá anh vũ đặc sản của gia đình chị Hoàng Thị Thơm, thôn Cốc Phát, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Trần Liên

Nuôi trồng thủy sản hiện đang phát triển tương đối nhanh. Tuy nhiên, việc hình thành các chuỗi liên kết vẫn hạn chế khiến chăn nuôi hàng hóa hiệu quả chưa cao.

Hơn 20 hộ dân tại tổ dân phố Quảng Thái, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) theo nghề nuôi cá lồng đặc sản trên sông Gâm từ 4 - 5 năm trở lại đây. Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, sau khi tìm hiểu tại một số nơi, ông đầu tư 4 lồng nuôi cá chiên, vì đây là giống cá đặc sản, thuận đầu ra hơn so với các loại cá khác. Toàn bộ con giống, ông đặt hàng với những người đánh cá quanh khu vực. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi, 4 lồng cá chiên của gia đình ông hầu như chưa năm nào có lãi, nếu không muốn nói là lỗ vốn do tình trạng cá chết diễn ra thường xuyên. 

Cách đó không xa, 4 lồng nuôi cá chiên của anh Trần Văn Phong hiện tượng cá chết cũng liên tục xảy ra. Theo anh Phong, việc chăn nuôi cá lồng phát triển tại Quảng Thái đều do bà con tự phát. Con giống được gom từ những người đánh cá trên sông, đầu ra cũng do bà con tự tìm kiếm nên hầu như rất bấp bênh, nhiều khi cá đến lứa xuất nhưng không tìm được đầu ra, đành chấp nhận bán lỗ để xuống giống lứa cá mới.  

Ông Trần Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, khoảng cách giữa các lồng cá của các hộ dân tại Quảng Thái đặt khá sát nhau, lại không lựa chọn đúng nơi có dòng chảy đặt lồng khiến lượng thức ăn tồn đọng, chất thải chăn nuôi không thoát được. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, không hình thành các mối liên kết cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc nuôi trồng thủy sản tại Quảng Thái không đem lại hiệu quả. 

Cùng đầu tư chăn nuôi cá chiên đặc sản, nhưng 15 thành viên của Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa (Hàm Yên) mỗi năm đều thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng, cá thương phẩm đủ tiêu chuẩn xuất bán không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã đã tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các thành viên. Các hộ chăn nuôi được khuyến khích giữ khoảng cách các lồng xa nhau tối đa là 500 m, giảm tối đa tình trạng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi cá gây ra. Nguồn giống cũng được hợp tác xã đặt mua từ Trung tâm thủy sản tỉnh.

Hiện sản phẩm cá chiên của Hợp tác xã Thái Hòa đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để được công nhận an toàn thực phẩm (chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP). Hợp tác xã Thái Hòa đang có tham vọng xây dựng và nâng tầm thương hiệu cá chiên Thái Hòa trên địa bàn cả nước và hướng tới xuất khẩu. Trước hết là đưa đặc sản này vươn tới thị trường một số tỉnh miền Trung, miền Nam. Với sự hỗ trợ của địa phương, sự nỗ lực của thành viên, mục tiêu này đang ở rất gần. 

Toàn tỉnh hiện có 1.941 lồng cá, trong đó nuôi trên hồ thủy điện 1.134 lồng, nuôi trên sông 807 lồng. Trong số này có 700 lồng nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá bỗng… Việc chuyển đổi loại hình nuôi cá bằng lồng kích thước 9-12 m3 sang lồng kích thước 108 m3 trên hồ thủy điện Tuyên Quang đã có sự hiệu quả. việc tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã góp phần tăng sản lượng cá nuôi lồng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay việc nuôi trồng thủy sản không theo chuỗi liên kết vẫn chiếm tỷ lệ cao. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện mới có 5 hợp tác xã, 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Việc thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ tạo thành các chuỗi liên kết khép kín, từ việc tìm kiếm nguồn giống, thức ăn đến tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc nuôi cá lồng trên sông tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, con giống và môi trường, nếu bà con chỉ chăn nuôi tự phát, không nắm vững kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, thì nguy cơ mất trắng là rất cao. Ngành nông nghiệp hiện đang khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ; loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã và kinh tế trang trại, hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên sông, hồ thủy điện thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Hội nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy điện để bảo vệ quyền lợi và quản lý nhãn hiệu tập thể, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Trần Liên Báo Tuyên Quang