TIN THỦY SẢN

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi cá chiên lồng ở Thanh Hóa

Được hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật, nhiều hộ dân nuôi cá chiên lồng trên sông Mã ở huyện Bá Thước có thu nhập cao. Lê Đồng

Cá chiên (đồng bào thường gọi là cá ké) là loài cá da trơn, hiện nay tương đối quý hiếm. Loài cá này sống chủ yếu tại các khe đá trên sông, suối ở khu vực miền núi. Cá chiên có giá trị kinh tế cao, giá bán khoảng 250.000 đồng/kg.

Cách đây khoảng chục năm, người dân đã bắt cá giống từ tự nhiên, đóng lồng tre để nuôi trên sông. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập tương đối lớn từ nghề này. Tuy nhiên, do giống cá chưa qua kiểm dịch, cũng như chưa có quy trình phòng bệnh nên thường xuyên có dịch bệnh. Việc nuôi cá là hoàn toàn tự phát, chính người nuôi cũng không biết kỹ thuật nuôi nên cá thường xuyên bị dịch bệnh khiến nhiều gia đình thất thu lớn. Mặt khác, nuôi manh mún nên thị trường không ổn định khiến giá cá rẻ.

Từ tháng 8 - 2011, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh ta đã triển khai Dự án “Mô hình nuôi thương phẩm cá chiên lồng tại huyện Bá Thước”. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng suất, an toàn dịch bệnh cho loài cá nước ngọt này. Triển khai nhiệm vụ, Ban Quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong huyện Bá Thước, chọn 15 hộ có đủ điều kiện lồng nuôi, nhân lực, có khả năng tiếp nhận kỹ thuật để thực hiện mô hình trình diễn. 15 hộ nuôi thí điểm 15 lồng với yêu cầu đạt tỷ lệ sống 80%, tăng 30% so với trước khi thực hiện dự án, cho năng suất đạt 70 kg/lồng, mỗi con ước đạt 1,2 kg. Sau khi dự án thành công, mô hình sẽ tiếp tục nhân ra diện rộng.

Trước đây, gia đình ông Triệu Đình Bài là hộ đầu tiên ở thôn Trung Thủy, xã Lương Trung nuôi thả cá chiên lồng, nhưng do thiếu thông tin về khoa học - kỹ thuật, nhất là trong quá trình chọn giống, chăm sóc nên cá phát triển chậm, thường bị dịch bệnh. Có thời điểm, cá chết hàng loạt khiến gia đình bị thất thiệt hơn 100 triệu đồng. Thời gian gần đây, được dự án hỗ trợ con giống, thức ăn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc nên cá chiên trong lồng của gia đình ông Bài đang phát triển tốt. Cũng giống như các lồng cá chiên của gia đình ông Bài, các hộ nuôi cá chiên lồng trong dự án thuộc các thôn Trung Thủy, Chòm Mốt, xã Lương Trung cũng đang phát triển tốt.

Qua khảo sát của các nhà khoa học, thì điều kiện tự nhiên của huyện Bá Thước cũng như các huyện miền núi Thanh Hóa rất hợp với nuôi thả cá chiên lồng. Tại các huyện phát triển nghề nuôi cá chiên lồng, cá thương phẩm chưa bao giờ bị ế, thậm chí các thương lái về tận địa phương đặt tiền khi cá sắp thu hoạch.

Ông Vũ Văn Hà, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhận định: Cá chiên ưa nước sạch và sống ở sông nước chảy là chủ yếu. Giờ muốn đưa cá vào nuôi trong lồng, phải thiết kế lồng phù hợp với đặc điểm sinh thái của nó. Nhất là ở vùng miền núi, tre, vầu, luồng nứa rất sẵn, vì vậy làm lồng nuôi cá ít tốn kém. Nếu thành công, dự án nuôi thương phẩm cá chiên lồng sẽ mở ra một nghề nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm và làm giàu cho nhiều hộ dân ven sông miền núi.

Lê Đồng Báo Thanh Hóa