TIN THỦY SẢN

Ứng dụng quy trình nuôi tôm cải tiến

Thu hoạch tôm Anh Vũ

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh khu vực ĐBSCL đã triển khai nhiều quy trình nuôi tôm cải tiến mang lại hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Kiên Giang: Tôm - lúa quản lý cộng đồng

Mô hình do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang xây dựng và chuyển giao cho nông dân thực hiện đã được vài năm nay. Thực hiện liên kết nông dân thành tổ, đội sản xuất, tương trợ lẫn nhau, giúp bà con nâng cao ý thức trong thực hiện lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, tập trung, giảm chi phí, bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh lây lan trong quá trình thả nuôi, năng suất cao hơn hẳn.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, để tham gia mô hình, nông dân sẽ được tập huấn và phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, quy mô diện tích 1 - 2 ha trở lên, đê bao quanh ruộng rộng 3 - 4 m, diện tích đường mương chiếm 25 - 30% và phải có ao lắng và ao vèo con giống riêng (chiếm khoảng 30% tổng diện tích thả nuôi). Đồng thời, nâng cao trình độ chăm sóc, quản lý trong nuôi tôm, từ đó làm tăng năng suất tôm, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Qua dự án, sẽ xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật cho mô hình luân canh tôm - lúa để khuyến cáo nông dân áp dụng, nhân rộng ra toàn vùng.

Tham gia mô hình quản lý cộng đồng, ông Ba Đông (Trương Văn Đông, ở ấp Tám Biển 2, xã Thuận Hòa, An Minh) đánh giá: “Mô hình này mang lại nhiều lợi ích, cả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Nông dân được tập huấn kỹ về kỹ thuật, từ cách xây dựng ao nuôi, đến khâu cải tạo môi trường, chọn con giống, chăm sóc, đặc biệt là có sự tương trợ lẫn nhau”.

Để tạo sức lan tỏa, mô hình sẽ được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hỗ trợ thực hiện xuyên suốt qua 1 vụ tôm và 1 vụ lúa (1 năm); sau đó, sẽ tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả và chuyển giao cho nông dân tự triển khai thực hiện ở các năm tiếp theo. Nhờ đó, đến nay tại các huyện vùng U Minh Thượng như: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận đều đã được phủ kín mô hình này.

Sóc Trăng: Bền vững nhờ nuôi tôm theo tiêu chuẩn

HTX Thủy sản Toàn Thắng ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu) có 29 thành viên với 43 ha nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP và Giám đốc HTX Mai Văn Đấu cho biết, nhờ thế mà “chắc ăn”, tiến tới bền vững. Đây là một trong số những thành viên nuôi tôm có trách nhiệm và hiệu quả của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh.

Vụ nuôi tôm năm 2017 của HTX thu hoạch được 162 tấn, doanh thu hơn 14 tỷ đồng, lời 6,7 tỷ đồng. Không phải toàn bộ diện tích nuôi tôm của HTX đạt kết quả cao mà có một số cũng bị dịch bệnh gây thiệt hại nhưng không đáng kể, nếu so với những năm trước chưa thực hiện tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 10/2017, HTX Thủy sản Toàn Thắng chính thức đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vừa qua, HTX tiến tới ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ tôm bền vững theo tiêu chuẩn ASC với Công ty CP Chế biến Thủy sản Út Xi.

Cà Mau: Nuôi khép kín hai giai đoạn

Để giúp nông dân tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật mới, thích ứng nhanh với sự biến động của thời tiết, dịch bệnh... Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã nghiên cứu “Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao”, được thực nghiệm trên nhiều hộ dân, mở ra hướng đi mới cho người nuôi.

Gia đình ông Ngô Minh Hiểu (ấp Cống Đá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân) có gần 1 ha đất nuôi tôm công nghiệp. Năm 2016, ông Hiểu được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau hướng dẫn thực hiện “Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao”. Sau thời gian nuôi khoảng 3,5 tháng, gia đình ông thu hoạch tôm đạt cỡ 35 con/kg, sản lượng 9 tấn. Lợi nhuận ước đạt trên 630 triệu đồng/vụ.

Anh Trương Nhựt Thành (ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) cho biết: Cái hay của quy trình nuôi này chính là hệ thống ao nuôi bổ trợ cho nhau. Ao lắng thô bước đầu giúp điều tiết nguồn nước để lấy vào ao cấp nước, sau đó xử lý mới được cung cấp cho ao nuôi và ao vèo. Cũng nhờ làm theo “Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao”, vụ mùa vừa qua, gia đình anh Thành ước thu hoạch đạt sản lượng gần 13 tấn tôm thương phẩm, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng trên diện tích nuôi công nghiệp 1,2 ha.

Theo Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, quy trình nuôi tôm khép kín theo hai giai đoạn giúp người dân quản lý rất tốt vấn đề môi trường, tạo điều kiện lý tưởng để tôm nuôi phát triển. Đặc biệt, giúp người dân rút ngắn được thời gian nuôi. Khi bà con chuẩn bị thu hoạch tôm, người dân hoàn toàn có thể chuẩn bị giống trong ao vèo trước để nối tiếp vụ. Đối với cách nuôi này, tốn khá nhiều diện tích đất, chính vì vậy người dân thường bỏ đi ao lắng thô, ao xả thải để tận dụng diện tích nuôi. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người dân cần làm theo đúng quy trình để giảm thiểu rủi ro.

Anh Vũ TSVN