Ước mơ đưa cá nước ngọt xuất ngoại
Anh Đào Văn Viển ở xã Tân Hương (Ninh Giang) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cải tạo 30 ha ruộng trũng thành trang trại nuôi cá công nghệ cao. Mỗi năm trang trại có khả năng đưa ra thị trường hàng chục nghìn tấn cá thương phẩm bảo đảm chất lượng xuất khẩu.
"Ném" tiền tỷ xuống ao...
- Dạo này dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, công ty nghỉ làm nên anh mới có thời gian ngồi với chú! Đến trưa anh lại phải chạy vào Hà Tĩnh nên anh em mình chỉ có buổi sáng hôm nay thôi! - anh Viển nói trong lúc đưa tôi thăm trang trại nuôi cá quy mô cực khủng mới được xây dựng bên bờ sông Cửu An.
Ngắm những ao nuôi mênh mông được xây dựng kiên cố, những con đường trải bê tông rộng rãi không ai nghĩ đây từng là vùng đất trũng, canh tác không hiệu quả. Anh Viển hiện là chủ một doanh nghiệp chuyên chế biến lợn sữa xuất khẩu ở huyện Ninh Giang. Sau nhiều năm lăn lộn trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản, biết nhiều đối tác có nhu cầu ăn cá sạch nên anh luôn nung nấu ý định xây dựng một trang trại nuôi cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. "Trước đây, tôi đã nhắm đến khu ruộng hoang ven sông Cửu An thuộc các xã Đông Xuyên và Tân Hương của huyện Ninh Giang. Đây là khu ruộng trũng được UBND các xã cho người dân đấu thầu để sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả không cao. Năm 2016, sau khi đặt vấn đề, tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuê, mua lại của người dân. Ước mơ có một khu đất lớn làm trang trại nuôi cá công nghệ cao đã thành sự thực", anh Viển kể.
Có đất, anh Viển không tiếc tiền của thuê người đào đắp hàng vạnm3 đất để biến khu ruộng rộng 30 ha thành vài chục ao nuôi cá liên hoàn, khép kín. Mỗi ao rộng vài nghìn m2, bờ được kè bằng bê tông kiên cố. Đường đi, lối lại trong trang trại cũng được anh Viển đầu tư tiền của đổ bê tông rộng rãi, phẳng phiu thuận tiện cho việc đi lại chăm sóc cá. Chỉ trong vòng 2 năm, những ao cá mênh mông liên tiếp nhau đã thay thế cho vùng đất năm nào còn hoang hóa, cỏ mọc lút đầu người. Đến giờ, hàng chục ao nuôi đã được anh xây dựng hoàn chỉnh, cá được nuôi bằng công nghệ "sông trong ao" nhiều ưu điểm vượt trội. Với công nghệ này, mỗi ao anh Viển xây dựng 4 sông nuôi cá, mỗi sông rộng 5 m, dài 25 m, sâu 2,1m. Sông xây xong đến đâu, cá được thả đến đó. Hiện anh đã xây xong 80 sông, đang nuôi thử nghiệm cá chép và rô phi thương phẩm ở 40 sông. Sau 7 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg. "Dự kiến đến khi xuất bán, mỗi sông tôi thu từ 30 - 35 tấn cá/lứa. Nếu xây dựng hoàn chỉnh, mỗi năm tôi có thể cung cấp ra thị trường vài nghìn tấn cá thương phẩm", anh Viển hồ hởi.
Thấy tôi vẫn mơ hồ về công nghệ nuôi cá "sông trong ao", anh Viển giải thích thêm đây là công nghệ đã được áp dụng ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Với công nghệ này, cá được nuôi ở môi trường nước chảy liên tục, lượng ôxy được cung cấp thường xuyên, tạo cho cá hình thành thói quen bơi ngược dòng, tăng khả năng vận động, hấp thụ thức ăn, tăng sức đề kháng, chất lượng thịt ngon hơn cá nuôi trong ao thông thường. Ngoài xây dựng "sông trong ao", anh Viển đang thử nghiệm nuôi cá bằng công nghệ "sông trên cạn". Với công nghệ này, anh Viển xây dựng một bể lớn bằng bê tông rộng khoảng 1.000m2 ngay trên bờ ao. Trong bể, anh chia thành các sông nhỏ với cách nuôi giống như nuôi bằng công nghệ "sông trong ao". Mỗi "sông trên cạn" rộng khoảng 80m2 với độ sâu chỉ 1,3m. "Sông trên cạn sử dụng nước ít hơn, diện tích nhỏ hơn nhiều so với sông trong ao nên việc kiểm soát chất lượng nước dễ dàng hơn, cá sinh trưởng tốt hơn. Tôi đã xây dựng xong 10 sông trên cạn và đang nuôi thử nghiệm cá rô phi và cá chép. Hiện cá sinh trưởng và tăng trưởng rất tốt. Việc kiểm soát dịch bệnh của cá cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu hiệu quả, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này", anh Viển giải thích.
Mật độ nuôi lớn, cho ăn, thu dọn chất thải cũng là bài toán nan giải nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cá. Cho cá ăn đã có máy cho ăn tự động nhập khẩu từ Đài Loan. Sau khi nhập máy, anh Viển cùng công nhân mày mò cải tiến để giảm tiếng ồn, tiết kiệm điện, tốc độ cho ăn đều hơn. Hệ thống hút phân cá và các chất thải đáy sông cũng được cải tiến bằng cách gắn thêm động cơ, trục chuyển động có thể di chuyển theo chiều rộng của sông giúp thu dọn chất thải triệt để hơn, giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. "Nguồn nước trong ao luôn bảo đảm sạch sẽ nên cá ít bị bệnh, tăng trưởng rất tốt, chất lượng thịt thơm ngon hơn", anh Viển cho biết.
... để nuôi cá sạch
Với 120 "sông trong ao" cùng vài chục "sông trên cạn", mỗi năm anh Viển (ngoài cùng bên trái) có thể cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn tấn cá thương phẩm các loại
Dự kiến đến năm 2021, trang trại của anh Viển sẽ được xây dựng hoàn chỉnh. Với 120 "sông trong ao" cùng vài chục "sông trên cạn", mỗi năm anh có thể cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn tấn cá thương phẩm các loại. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của anh lúc này là làm sao có sản phẩm cá sạch cung cấp cho người dân, hướng tới xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu. Theo anh Viển, để con cá phát triển tốt, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là nước nuôi cá phải sạch, không ô nhiễm. Nếu nước không sạch cá rất dễ nhiễm bệnh, chậm lớn, chất lượng thịt không bảo đảm. Vì vậy, nước trong ao nuôi luôn được kiểm soát chặt chẽ. Từng đi tham quan nhiều mô hình nuôi cá trong và ngoài nước, anh Viển đã áp dụng phương pháp kết hợp rỉ mật mía, vôi bột, vi sinh để tạo thành chế phẩm sinh học có thể xử lý hoàn toàn chất thải trong ao, bảo đảm nước ao nuôi luôn sạch sẽ. "Công nhân kiểm soát ao nuôi hàng giờ. Bất kỳ biến động nào về nguồn nước đều được xử lý ngay lập tức. Nước sạch, môi trường trong lành nên cá nuôi rất ít bệnh", anh Viển chia sẻ thêm.
Ngoài nguồn nước luôn sạch, thức ăn cho cá cũng được kiểm soát chặt chẽ và được cung cấp từ các hãng có uy tín. Trước khi cho cá ăn, thức ăn phải được kiểm nghiệm kỹ càng, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Ngoài ra, anh Viển còn nghiền gừng, tỏi, lá đinh lăng trộn vào thức ăn để tăng khả năng kháng bệnh. Theo anh Viển, việc lựa chọn, kiểm soát chặt chẽ thức ăn giúp cá tăng trưởng tốt, khả năng kháng bệnh cao, toàn bộ quá trình nuôi hầu như không phải dùng kháng sinh. Đến khi xuất bán, cá không có dư lượng kháng sinh, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Nói đến tiêu thụ cá sạch, anh Viển trầm ngâm: "Mặc dù là cá sạch, không dư lượng kháng sinh nhưng thời điểm này tiêu thụ lại khó khăn hơn so với cá nuôi bằng phương pháp truyền thống khác. Do được nuôi bằng nước sạch với công nghệ "sông trong ao" nên cá thường có màu sẫm hơn so với các loại cá khác. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng lại cho rằng cá được nuôi trong nước ô nhiễm nên mới có màu lạ. Vì vậy, trước khi xuất bán tôi lại phải đưa cá từ sông ra ao một thời gian để cá bám "màu" như cá nuôi theo cách thông thường". Theo anh Viển, quan niệm này của người tiêu dùng có thể hiểu được bởi bằng cảm quan sẽ rất khó phân biệt đâu là cá sạch với cá không sạch. "Trách nhiệm của chúng tôi là phải làm cho người dân thay đổi quan niệm, hướng tới sử dụng cá sạch để bảo đảm sức khỏe. Bây giờ, chỉ có sản xuất sạch mới phát triển bền vững được", anh Viễn nói.
- Hiện tại tôi đang hoàn thiện các thủ tục xin cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc để có thể đưa cá vào các siêu thị, nhà hàng và hướng tới xuất khẩu. Đây mới là hướng đi lâu dài và hiệu quả! - vừa nói, anh Viển vừa chỉ tay ra khu nhà xưởng rộng hàng nghìn m2 với hệ thống máy móc chế biến, cấp đông cá phục vụ xuất khẩu đã được xây dựng hoàn chỉnh. "Tôi tin với cách làm bài bản, cá của tôi sẽ đủ tiêu chuẩn để xuất sang thị trường châu Âu", anh Viển khẳng định.
Để đạt được ước mơ đưa cá sạch đến với người tiêu dùng, chinh phục các thị trường khó tính, anh Viển đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống trang trại liên hoàn, khép kín gồm ao nuôi cá giống, cá thương phẩm, xưởng sản xuất thức ăn, nhà kho với hệ thống máy móc chế biến, bảo quản đủ tiêu chuẩn. Với suy nghĩ lớn và cách làm bài bản, chắc chắn mô hình nuôi cá của anh Viển sẽ thành công, đem lại đổi thay cho vùng đất khó.