Ương cá chình thương phẩm
Với mô hình ương cá chình bột thành cá chình giống thành công, anh Lê Văn Lộc (35 tuổi) ở thôn 4, xã Vinh Mỹ (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) đã và đang ăn nên làm ra. Không những vậy, anh còn giải quyết được khó khăn về giống cá chình chất lượng cho người nuôi ở địa phương.
Kiên trì
Để có mô hình ương nuôi cá chình bột thành cá chình giống thành công như hiện nay, anh Lê Văn Lộc phải trải qua nhiều lận đận với các mô hình chăn nuôi thất bại.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp điện tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, anh khao khát được làm giàu trên chính quê hương của mình. Từ thử đầu tư vào nuôi gà, rồi nuôi rắn mối, nuôi dế nhưng tất cả các mô hình đều không hiệu quả. Năm 2009, thấy người dân trong xã “ăn nên làm ra” từ nghề nuôi cá chình, anh đã đầu tư 20 triệu đồng xây 3 bể nuôi cá chình thương phẩm.
Anh tra cứu trên mạng, thấy ở Phú Yên, Nha Trang, có nhiều người làm giàu từ nghề ương nuôi cá chình giống. Suy nghĩ, họ nuôi được thì mình cũng nuôi được, nếu ương cá chình bột thành công thì không chỉ giúp mình làm giàu mà còn giúp bà con trong xã có nguồn giống chất lượng.
Nghĩ là làm, anh đã lặn lội vào tận Nha Trang để học hỏi kinh nghiệm ương nuôi cá chình giống của các hộ dân nơi đây. Cuối năm 2013, anh đã cải tạo lại 3 bể nuôi cá chình thương phẩm trước đây sang ương cá chình bột từ nguồn giống ở Phân viện 3 Nha Trang. Anh Lộc thổ lộ: “Cá chình chỉ chết khi thiếu Oxy. Chính vì vậy, để ương cá chình bột, ngay từ đầu, anh đã đầu tư 7 triệu đồng lắp đặt hệ thống ống để chạy Oxy ở các bể. Khi cá còn nhỏ, thức ăn là cá tươi phải xay nhuyễn ra hòa vào nước cùng với men tiêu hóa để kích thích cá ăn. Sau một thời gian nuôi, cá chình được tách bể để phân đàn, con nào to đủ trọng lượng thì bán trước, con nào nhỏ tiếp tục nuôi. Khi thay nước, anh thường giữ lại 30% nước cũ trong bể để cá khỏi bị ngợp với dòng nước mới. Bên cạnh đó, hiểu được tập tính của cá chình thích ở trong hang, ưa đeo bám, anh đã thiết kế các lồng, đặt trong bể để cá trú ẩn.
Một mô hình để làm giàu
Cuối năm 2013, anh Lộc bắt đầu ương nuôi cá chình và mô hình cho anh những thành công bước đầu. Từ 3.000 con chình bột ương nuôi ban đầu, sau một năm ương nuôi, anh đã bán ra thị trường hơn 1.000 con cá chình giống với trọng lượng từ 1gam – 1,5 gam, trừ chi phí giống, thức ăn thu lãi 70 triệu đồng.
Sau vụ ương cá chình bột thành cá chình giống thành công, nhận thấy ương cá chình bột là mô hình kinh tế có thể làm giàu bền vững, anh đã mạnh dạn vay thêm 200 triệu đồng để xây thêm bể ương nuôi, phát triển đàn cá chình bột từ 3.000 con lên thành 8.000 con.
Nói về triển vọng mô hình ương cá chình bột mang lại, anh Lộc cho biết, trung bình mỗi con cá chình giống anh cung cấp cho người dân có giá dao động từ 105 – 150 nghìn đồng/con, tùy thuộc vào kích cỡ cá. Với 8.000 con cá chình bột ương nuôi một năm, chỉ cần chọn lựa 4.000 con cá chình giống cung cấp cho các hộ nuôi cá chình trong xã vào cuối năm nay đã thu lãi khoảng 150 triệu. Số cá chình còn nhỏ thì tiếp tục nuôi. Để thuận tiện trong việc chia tách các lứa cá, anh đã và đang tiến hành xây dựng thêm nhiều bể cá nhỏ.
Anh Lộc chia sẻ: “Hiện nay cá chình thương phẩm có giá từ 400 – 520 nghìn đồng/kg, cá chình dễ sống, ít tốn kém thức ăn nên thu hút rất nhiều người nuôi. Với nhu cầu giống cá chình trên địa bàn lớn, anh đang ấp ủ phát triển đàn cá chình bột lên thành 20.000 con, để lúc nào cũng có cá chình giống cung cấp. Bên cạnh đó, anh cũng muốn nuôi cá chình thương phẩm, một mô hình kinh tế mà trước đây anh đã thất bại vì con giống.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Mỹ cho biết, trước đây người dân xã Vinh Mỹ thường lấy cá chình giống từ các nơi về nuôi không hiệu quả, nuôi vài ngày là cá chết. Nhưng từ khi mô hình ương cá chình bột của anh Lê Văn Lộc thành công đã cung cấp giống cá chình chất lượng, giúp người nuôi cá chình trên địa bàn chủ động hơn về nguồn giống.