Ương cá nâu giống
Mật độ cũng là một tác nhân ảnh hưởng đến quá trình ương cá nâu giống trong ao đất. Mật độ 20 con/m2 là một lựa chọn làm tăng tỉ lệ sống và tăng trưởng tốt nhất cho cá. Ứng dụng mật độ 20con/m2 trong ương nuôi cá nâu giống đem lại nguồn giống ổn định cho nuôi thương phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cá nâu (Scatophagus argus) là một trong những loài có triển vọng phát triển cho nghề nuôi vùng ven biển, hơn nữa đây là một trong những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, có thể được nuôi trong các ao nuôi tôm quảng canh cải tiến hay trong mô hình nuôi tôm rừng ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau và Bạc Liêu, do cá nâu sống trong môi trường rộng muối, ăn tạp thiên về thực vật, mùn bã hữu cơ, tảo, rong,... nên được người dân lựa chọn.
Trong thời gian qua nhu cầu cá nâu giống bị khan hiếm do nguồn giống dựa vào đánh bắt tự nhiên hoặc chỉ sản xuất giống ở quy mô nhỏ. Từ đó, việc sản xuất giống cá này nhận được nhiều sự quan tâm. Con giống có chất lượng hay không đòi hỏi người sản xuất giống không chỉ nắm chắc kĩ thuật mà còn phải đảm bảo được phúc lợi của cá.
Phúc lợi là một vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt là trong nuôi trồng thủy sản. Ngoài chế độ dinh dưỡng, độ mặn hay quá trình vận chuyển thì mật độ cũng nhận được nhiều sự chú ý, bởi mật độ là đại lượng thể hiện lượng vật chất trên mỗi đơn vị đo (chiều dài, diện tích hay thể tích). Nếu mật độ quá cao sẽ làm giảm khả năng tăng trưởng cũng như tỉ lệ sống trọng quá trình ương nuôi cá giống.
Nguyên nhân của vấn đề này là do mật độ cao gây căng thẳng, không gian sống bị hạn chế, làm thay đổi các thông số sinh lý và sinh hóa đối với cá, làm giảm sự chuyển hóa carbohydrate và lipid của gan và thay đổi thành phần axit béo trong gan.
Đồng thời, cũng làm cho sự chuyển hóa lipid mất cân bằng gây ra rối loạn về năng lượng. Hậu quả tác động đến quá trình tăng trưởng gây chậm lớn và hệ số FCR tăng. Căng thẳng mãn tính kéo dài cũng làm cho các chỉ số glucose và cortisol trong máu tăng cao hơn nữa, Cortisol là nguyên nhân gây cho cá bị stress.
Để giải quyết vấn đề này các nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ đã thử nghiệm nuôi ở nhiều mật độ khác nhau cho hiệu quả rất tích cực.
Cụ thể, Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức mật độ (10, 20 và 30 con/m2) và mỗi nghiệm thức được lặp lại 2 lần. Ao ương có diện tích 100 m2, nước có độ mặn 15‰ và độ sâu mực nước dao động từ 0,8 – 1,0m.
Trước khi thả giống, ao được bơm cạn nước, sên vét bùn đáy, lấy nước vào từ 0,2 – 0,4 m và diệt cá tạp bằng dây thuốc cá với lượng 2 kg/100m2. Sau 2 ngày, tiếp tục cho nước vào ao ương để đạt mực nước từ 0,8 – 1,0 m, tiến hành bón vôi CaO (2 kg/100m2), bột cá (0,5kg/100m2) để gây màu nước và sau 7 ngày tiến hành thả. Cá có khối lượng và chiều dài ban đầu lần lượt là 0,11±0,02 g, 11,2±0,1 mm. Sau 56 ngày ương, chiều dài và khối lượng của cá nuôi ở mật độ 10 và 20 con/m2 lớn hơn có ý nghĩa thống kê so với với mật độ nuôi 30 con/m2 (p<0,05). Tỷ lệ sống của cá ở nghiệm thức mật độ 20 con/m2 đạt cao nhất (46,9%), khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức mật độ 10 con/m2 (45,1%) và cao hơn có ý nghĩa so với mật độ ương 30 con/m2 (p>0,05). Từ kết quả trên đã xác định mật độ ương thích hợp cho sự sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá nâu từ giai đoạn cá hương lên cá giống.
Như vậy, mật độ cũng là một nhân tố quan trọng quyết định đến quá trình ương nuôi cá nâu giống, góp phần vào quy trình sản xuất giống cá nâu quy mô lớn đạt hiệu quả cao, đảm bảo được nguồn cung giống cho nuôi thương phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đem lại nguồn thu nhập ổn định, tăng sinh kế cho người dân và nâng tầm cá nâu một đối tượng tiềm năng vùng ven biển.
Tham khảo: Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ