TIN THỦY SẢN

Ương giống tôm trong nhà gièo, chủ đầm “trúng đậm”

Ương giống tôm trong nhà gièo trước khi thả xuống ao nuôi cho năng suất, sản lượng cao. Hữu Trung

Ương giống tôm trong nhà gièo trước khi thả vào ao nuôi đang được một số chủ đầm tôm trên địa bàn Hà Tĩnh áp dụng đã mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là trong vụ đông năm 2017.

Sau nhiều vụ “thất bát”, năm 2017, ông Nguyễn Hữu An (thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) đi tìm hiểu một số mô hình nuôi tôm trong tỉnh về kỹ thuật ương giống trong nhà gièo trước khi thả vào ao nuôi. Ông An chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi thấy nhiều mô hình ương giống tôm trong nhà gièo mang lại hiệu quả cao nên mạnh dạn bỏ ra hơn 150 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà gièo ương giống. Từ khi thực hiện theo quy trình kỹ thuật này, vụ tôm nào cũng trúng, cho năng suất, sản lượng cao”.

“Vụ đông vừa rồi, tôi mới thu hoạch 2 ao nhưng sản lượng đạt hơn 10 tấn, tôm đạt kích cỡ 50 con/kg, bán với giá 220 nghìn đồng/kg, thu về hơn 2 tỷ đồng. Hiện tại còn 5 ao phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch ước đạt hơn 20 tấn tôm thương phẩm” - ông An cho biết thêm.

Kỹ thuật ương giống tôm trong nhà gièo được Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (đóng ở Xuân Phổ - Nghi Xuân) áp dụng đầu tiên trên địa bàn tỉnh và cho thấy nhiều ưu điểm. Cũng từ đó, nhiều mô hình nuôi tôm trên cát, ao đất ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà… học tập, làm theo, mang lại hiệu quả cao.

Anh Hồ Quang Dũng - Giám đốc kỹ thuật HTX cho biết: “Kỹ thuật ương giống tôm trong nhà gièo trước khi thả vào ao nuôi được HTX áp dụng theo các vùng nuôi tôm tại nhiều tỉnh phía Nam. Sau khi mua tôm giống về, chúng tôi thả nuôi trong nhà gièo có diện tích hơn 400 m2 khoảng 25-30 ngày rồi mới thả ra ao nuôi. Qua hơn 3 năm thực hiện kỹ thuật nuôi này cho thấy, năng suất, sản lượng cao hơn, đặc biệt là nuôi vụ đông. Vừa qua, HTX đã tiến hành thu hoạch 80 tấn tôm thương phẩm, thu về hơn 12 tỷ đồng”.

Nói về ưu điểm ương giống tôm trong nhà gièo, nhiều chủ đầm tôm đã áp dụng cho rằng: Tôm giống được ương nuôi trong một diện tích nhỏ nên dễ theo dõi, chăm sóc, phát hiện, ngăn ngừa được dịch bệnh. Mặt khác, chi phí thức ăn, tiền điện, khoáng chất… giảm 3 lần so với cho giống tôm trực tiếp xuống ao nuôi mà tỷ lệ sống lại đạt cao hơn. Đối với vụ đông, khi con tôm còn nhỏ không chịu được nhiệt độ thấp, ảnh hưởng đến sức đề kháng, rất dễ xẩy ra dịch bệnh. Nhưng ương giống trong nhà Gièo sẽ đảm bảo nhiệt độ cho tôm sinh trưởng tốt.

Lợi ích kinh tế lớn nhất từ việc sử dụng các trại nuôi Gièo là khi nhiệt độ quá thấp không thể thả tôm vào ao nuôi thì sẽ có một số lượng lớn tôm con sẵn sàng để thả khi nhiệt độ tăng hoặc quy định cho phép. Các chủ đầm tôm cũng có thể rút ngắn thời gian thu hoạch bằng cách luôn có sẵn giống để thả lại sau thu hoạch, tăng chu kỳ nuôi mỗi năm hoặc tăng kích cỡ tôm khi thu hoạch.

Đây là kỹ thuật cho hiệu quả cao, rất cần nhân rộng để nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Gièo là một ao nhỏ, có thể là bể xi măng, có thể là một ao nuôi nhỏ vài trăm m2... nhưng được cách ly an toàn với nguồn nước sông rạch tự nhiên, được che nắng, mưa và giúp người nuôi quản lý chặt chẽ các thông số, chỉ tiêu lý hóa của môi trường nuôi tôm công nghiệp theo yêu cầu tự nhiên của con tôm trong giai đoạn đầu tiên.

 

Hữu Trung Báo Hà Tĩnh